36h sống trong không khí World Cup của cô gái Việt ~ Công Ty Du Lịch Hà Nội Việt Nam

Thursday, July 12, 2018

36h sống trong không khí World Cup của cô gái Việt

36h sống vội ở Nga

“Nước Nga những ngày sống trong World Cup luôn rộn rã tiếng cười nói của du khách từ khắp nơi đổ về”, chia sẻ của Mai, cô gái Vùng Tàu.

Sau chuyến bay dài 8 tiếng, tôi đã có mặt tại Moskva, trái tim của nước Nga. Quê hương của cây đàn Balalaika đang diễn ra giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, World Cup 2018.

Thủ đô của Nga quá lớn để tôi có thể thong dong trên những con phố. 36h sống trong không khí World Cup ở Nga nhanh như cái chớp mắt nhưng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Trong hình dung về buổi sáng đầu tiên ở Moskva, tôi thức dậy trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang, kéo rèm ô cửa sổ để đón những tia nắng đầu tiên. Đó sẽ là khởi đầu tuyệt đẹp trên xứ sở Bạch Dương.

Nhưng tôi đã nhầm. Ngày đầu ở Nga tôi thức dậy lúc 4h (khoảng 8h ở Việt Nam), đồng hồ sinh học vẫn chưa thích ứng kịp với múi giờ mới. Nước Nga đang trong những ngày đêm trắng, mặt trời lặn lúc nửa đêm và sáng dần từ khoảng 4 giờ.

Tôi mở tung cửa sổ, đón gió lạnh ùa vào. Mặt trời đã lên cao, nắng vàng khẽ len lỏi khắp dãy phố cổ, vài tia nắng nhỏ xuyên qua những tán cây xanh, lấp lánh trên mặt đường vắng tênh. Buổi sáng Moskva bình yên hơn hình dung của tôi về một không khí cuồng nhiệt của ngày hội bóng đá.

Lúc này, ngoài trời đang khoảng 15 độ C, buổi trưa nhiệt độ ấm dần lên khoảng 25-28 độ C.

Tôi tranh thủ chụp vài tấm ảnh từ ô cửa sổ, rồi thay bộ đồ năng động để bắt đầu khám phá trái tim nước Nga.

Sẽ chẳng có gì đặc biệt với một bữa sáng tại nhà hàng ngoài việc đoàn khách Trung Quốc ngồi kín các dãy bàn ăn. Trong phút chốc tôi có cảm giác mình không phải ở Nga mà đang ở một khu phố Chinatown nào đó.

Mặc dù không có đội bóng thi đấu ở World Cup 2018 nhưng khách Trung Quốc đến Nga còn đông hơn cả người Anh và Australia. Truyền thông Nga ước tính có đến 100.000 khách Trung Quốc đến Nga theo chính sách miễn thị thực dịp World Cup.

Sau đó, đoàn khách Trung Quốc đã nhanh chóng rời đi, khách phương Tây xuất hiện. Thực đơn cho bữa sáng không quá đặc biệt, tôi chọn vài lát bánh mì, sữa chua, salad tự trộn theo sở thích. Người Nga không nói tiếng Anh nhiều, chúng tôi chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể nhưng có cảm giác họ khá thân thiện, hay cười và đặc biệt lịch sự.

Tôi hỏi lễ tân khách sạn: “Nước Nga khi không có đá bóng sẽ thế nào, du khách và người Nga làm gì khi không xem bóng đá?”. Chàng trai trẻ tư lự vài phút rồi khuyên tôi nên đến Đồi Chim Sẻ, gần sân vận động Luzhniki và tự mình cảm nhận.

Tôi không chắc mọi tài xế ở đây đều như nhau hay chỉ mình tôi được trải qua cảm giác sợ hãi này. Ngay khi biết điểm đến, bác tài nhấn ga và lao đi vun vút trên đường. Tôi sợ hãi, tay bám chặt thành ghế. Chiếc ôtô cũ chạy đều vận tốc 80 km/h cả khi đường phố đông nghẹt. Có vẻ người đàn ông trước vô lăng chẳng xa lạ gì với nhịp giao thông Moskva, mọi cú đạp phanh đều rất chuẩn mỗi khi gặp xe hay người đi bộ băng ngang đường.

Xe tấp vào lề, tài xế chỉ về phía đường hầm dành cho người đi bộ, đối diện tôi đã là sân vận động Luzhniki. Tôi phải đi bộ khá xa mới đến được cổng sân vận động. Dọc đường đi, tôi dễ dàng bắt gặp hàng dài nhà vệ sinh lưu động, nhà lều in dòng chữ Fan ID Center dành cho du khách. Hôm tôi đến không có trận đấu nào diễn ra ở đây nhưng an ninh vẫn được bố trí khắp nơi.

Tôi không được vào trong sân mà chỉ có thể đi dạo bên ngoài. Trên đường đi, tôi gặp những đoàn khách tới đây để tham quan, nhiều người mặc áo đấu của đội tuyển quốc gia đang tranh thủ chụp hình trước sân vận động lớn nhất World Cup 2018.

Sau một vòng tham quan, tôi trở ra và bắt xe đến bờ sông Moskva.

Quy hoạch của Moskva thay đổi rõ rệt từ vùng ngoại ô vào đến trung tâm thành phố. Tôi thích thú ngắm nhìn những ngôi nhà với ống khói nhỏ xinh chuyển dần sang các khu biệt thự, trung tâm thương mại rồi đến những dãy phố đậm chất châu Âu đều tăm tắp.

Xe hơi ở Moskva thì đủ loại, từ những mẫu sang trọng mới nhất cho tới những chiếc cũ kỹ, gỉ sét đều nối đuôi nhau, lao đi vun vút trên đường phố.

Tôi như vỡ oà trước vẻ đẹp yên bình của dòng Moskva. Dưới sông là vài chiếc du thuyền nhỏ đang chở khách đi tham quan. Trên bờ là những con đường nhỏ dành cho người đi bộ. Người dân và du khách thong dong dạo chơi dưới tán cây xanh rờn. Thi thoảng vài nhân viên công sở trong bộ đồ vest lịch lãm lao vút qua trên chiếc xe điện tạo nên khung cảnh cổ kính, yên bình nhưng vẫn phảng phất hơi thở của nhịp sống hiện đại.

Băng qua những dãy phố tấp nập của Moskva, tôi tìm đến nhà hàng của người Việt Nam dưới chân một toà nhà cao tầng.

Vừa bước vào cửa và xuống vài bậc cầu thang tôi đã thấy ngay những anh chàng người Việt trong bộ đồng phục trắng tinh tươm đứng chào khách bằng nụ cười tươi tắn.

Theo chủ cửa hàng, cộng đồng người Việt ở Nga khá đông nên đồ ăn ở đây đều được chế biến theo khẩu vị quê nhà. Tôi gọi một phần gà luộc chấm muối tiêu, sườn non nướng, cá hồi kho tộ, rau cải luộc và một tô canh cá tầm nóng hổi. Mãi sau này tôi mới biết, đây là bữa ăn thoải mái nhất ở Nga. Mọi hương vị đều rất quen thuộc, giá cả phải chăng, không khí ấm cúng.

Tôi dành cả buổi chiều ở Quảng trường Đỏ. Điểm đến đầu tiên là điện Kremlin, đây là khu quần thể cung điện rộng lớn, được bao quanh bởi rất nhiều toà tháp cao, pháo đài cùng bức tường Kremlin lịch sử.

Phần cổ kính nhất của điện hoàng gia Kremlin là nơi làm việc của Tổng thống Nga, du khách có thể mua vé vào tham quan. 

Nằm trong quần thể điện Kremlin là quảng trường Sobornaya với những toà nhà lớn. Tháp chuông Ivan Velikii với hàng trăm quả chuông kích thước khác nhau. Nơi đây cũng lưu giữ quả “chuông Vua" nặng hơn 200 tấn, cao 6,14 m tấn, quả chuông chưa gióng lên một lần bởi bị nứt một mảng lớn do trận hoả hoạn năm xưa.

Nhà thờ Dormition là điểm đến không nên bỏ qua. Đây là nơi chứng kiến các Sa hoàng Nga lên ngôi. Nơi này không cho du khách quay phim, chụp hình và nói lớn tiếng.

Thời gian còn lại, tôi theo một đoàn khách châu Á đi thăm thú những điểm còn lại của Quảng trường Đỏ.

Rời quần thể điện Kremlin tôi đi ăn tối và sớm di chuyển đến sân Spartak để theo dõi trận đấu giữa Brazil và Serbia.

Đường vào sân vận động rất đông và đang bị tắc đường nên tôi quyết định đi tàu điện ngầm. Chuyến tàu điện ngầm đầu tiên tôi đi là loại tàu mới, chạy êm ru, có màn hình chiếu bóng đá. Trên bảng điện tử lịch trình cũng hiện tên các trạm bằng tiếng Nga và Anh để du khách dễ theo dõi.

Trong những ngày diễn ra World Cup, Fan ID không chỉ thay thế visa nhập cảnh mà còn được miễn phí vé đi tàu và các phương tiện công cộng nếu hôm đó có một trận bóng bất kỳ trong giải đấu.

Tuy nhiên, bạn cũng phải lưu ý là không phải ga tàu điện ngầm nào cũng đẹp, nguy nga tráng lệ. Chỉ một số trạm đẹp như chúng ta thường thấy trên tivi, còn lại là những trạm đã xây từ rất lâu, nhiều chuyến tàu cũng đã cũ, chạy khá sóc và ồn.

Bước xuống trạm tàu của sân vận động Spartak, tôi như vỡ oà với không khí reo hò của từng nhóm cổ động viên mặc đồng phục của Brazil, Serbia và cả những cổ động viên trung lập mang theo quốc kỳ, trang phục truyền thống từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Dọc đường đến sân, tôi nhanh chóng hoà mình vào đoàn người reo hò. Đó là không khí tuyệt vời, huyên náo nhưng cũng rất dễ cuốn bạn đi trong chớp mắt.

Để vào sân vận động, bạn phải qua lớp hàng rào an ninh kiểm tra nghiêm ngặt với máy quét, chó nghiệp vụ. Túi xách, balo lớn không được mang vào khán đài mà phải gửi bên ngoài.

Bên trong sân vận động tràn ngập cổ động viên mặc trang phục đặc biệt, các nhóm nhạc biểu diễn sôi động, các chàng trai, cô gái đi cà kheo. Đây là khu vực để du khách chụp ảnh lưu niệm, ăn uống nhẹ trước khi lên khán đài.

Theo quy định, cổ động viên phải phải vào sân trước 3 tiếng và có mặt trên khán đài trước khi trận đấu diễn ra một tiếng. Vì vậy mọi thứ trôi qua rất nhanh, bạn không có quá nhiều thời gian để nghĩ về những thứ khác ngoài việc tìm đường vào sân vận động, ổn định chỗ ngồi và tận hưởng bầu không khí cuồng nhiệt mà các cổ động viên mang lại.

Trên vé ghi rất rõ các thông tin về chỗ ngồi, bạn cần đi theo bảng chỉ dẫn, vào đúng cửa, đúng cầu thang để đến được hàng ghế của mình.

Cảm giác lần đầu bước vào sân vận động của World Cup khiến một kẻ không biết gì về bóng đá như tôi cũng trở nên sung sướng và tự hào theo cách rất đặc biệt. Quanh tôi, mọi người bắt đầu gọi video về cho gia đình, bạn bè ở quê nhà.

Có mặt trong một trận đấu World Cup là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời. Tôi được tận mắt nhìn hàng an ninh mặc áo dạ quang đứng nghiêm trang quay mặt về phía khán giả. Mọi người đùa rằng trong không khí như vậy chắc phải tìm được những người không hề thích bóng đá một chút nào mới có thể chuyên tâm làm việc được.

Tiếng hò hét cổ vũ rộn lên khi các cầu thủ bước ra chào sân. Dưới sân cỏ, trên khán đài mọi người đồng thanh hát quốc ca. Trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu, cả khán đài cuốn theo guồng quay của trái bóng. Cổ động viên hai đội thay phiên reo hò trước các tình huống ăn bàn hoặc khi đội tuyển của họ bị ép sân. Khi đối thủ ghi bàn hụt họ càng hò hét to hơn cổ vũ đội của mình.

Nhiều người thậm chí đứng lên la mắng cầu thủ nếu anh ta bỏ lỡ một cơ hội ghi bàn. Rồi cũng ngay sau đó, họ lại tiếp tục reo hò, cổ vũ cho đội tuyển. Chưa bao giờ, tôi được sống trong bầu không khí bóng đá chân thật và sôi động như vậy.

Khi trái bóng đến gần khung thành, khán đài như chia làm hai, một nửa bật dậy reo hò cổ vũ, còn nửa bên kia lại ngồi lặng im như đang cầu nguyện một điều kỳ diệu.

Một cầu thủ dưới sân vừa ghi bàn, cả khán đài như vỡ tung trong tiếng reo hò. Đâu đó cũng có vài cổ động viên lặng người đi và không giấu được những giọt nước mắt khi đội nhà bị ghi bàn.

Mọi cảm xúc vui buồn lẫn lộn trên khán đài. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, cổ động viên đội thua cuộc lặng lẽ ra về. Những người ở phe thắng cuộc ôm chầm lấy nhau không phân biệt xa lạ, giới tính, màu da, quốc tịch. Bóng đá thật sự là chất keo kỳ lạ, nó có thể kết nối trái tim hàng triệu người xa lạ mà không cần bất kỳ chất xúc tác nào.

Kết thúc trận đấu, dù đội nào chiến thắng thì đêm đó Moskva cũng có một đêm không ngủ. Không khí ăn mừng của đội chiến thắng trải dài từ khán đài, đến lối ra và bùng nổ ở khu vực trung tâm thành phố.

Để đảm bảo an ninh sau trận đấu, dọc các lối đi từ cửa sân vận động đến đường ra ra tàu điện ngầm là những cảnh sát xếp hàng dài tít tắp. Tình nguyện viên vẫn túc trực ở các ga tàu điện ngầm để hỗ trợ du khách.

Hôm đó, đội tuyển Brazil chiến thắng, người Nga và du khách từ khắp nơi trên thế giới lại một lần nữa được hoà mình vào vũ điệu samba sôi động. Tôi định về lại khách sạn sau một ngày dài mệt mỏi nhưng lại bị cuốn vào đoàn người Brazil đang nhảy múa, ca hát lúc nào không hay.

3h sáng tôi mới bắt vội chuyến taxi để về đến khách sạn, kết thúc một ngày trọn vẹn trong thứ ánh sáng mờ ảo không rõ là ngày hay đêm trên xứ sở bạch dương.

Tôi uể oải thức dậy với những reo hò vẫn còn lù bù trong đầu. Sáng nay tôi sẽ ra ngoại ô thành phố và tìm hiểu về cuộc sống của những người nông dân ở đây.

Sáng thứ 7, đường phố vẫn đông nghẹt xe cộ. Chúng tôi mất hơn một tiếng mới ra khỏi trung tâm. Dọc đường đi là những rừng bạch dương xen lẫn rừng thông bạt ngàn cao vút. Cô gái Nga ngồi cạnh nói với tôi ở đây đẹp nhất là mùa thu khi những cánh rừng bắt đầu thay lá.

Khung cảnh làng quê ở Nga không khác nhiều Việt Nam. Ở đây có những cánh đồng lúa mạch trải dài, vài chiếc xe tải chở thân lúa mạch được cuộn tròn chậm rãi lăn bánh trên đường.

Bạn có thể hình dung, một gia đình nông dân đặc trưng ở Nga sẽ sống trong một ngôi nhà gỗ thấp với ống khói nhỏ trên nóc. Trước nhà sẽ có một khoảng sân nhỏ, trồng đủ thứ hoa theo sở thích của chủ. Dưới gốc táo là chiếc xích đu cũ khẽ đong đưa trong gió. Vài ngôi nhà sẽ có hàng rào được sơn phết rực rỡ với những hoạ tiết bắt mắt.  

Người đàn ông Nga với đôi mắt xanh biếc đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu. Dưới hiên nhà, chú dọn ra một đĩa bánh ngọt, trên chiếc bàn gỗ tiếp khách nhỏ xinh chúng tôi thoải mái cười nói như đã quen rất lâu trước đó.

Tôi được dẫn đi tham quan một vòng căn nhà. Trong phòng ngủ nhỏ có một chiếc lò sưởi cho mùa đông, phòng bếp nhỏ xinh với những chiếc thìa, đũa bằng gỗ vẽ hoạ tiết và sơn màu nổi bật. Tầng hầm là nơi để đồ ăn dự trữ và những vật dụng không dùng đến của cả gia đình.

Sau bữa trưa tại một nhà hàng Nga, tôi bắt xe quay về trung tâm thành phố. Buổi chiều tôi đi dạo trên phố cổ Arbat. Ở đây có những dãy nhà cổ đồng đều về kiến trúc. Một bên là những cửa hàng bán đủ thứ đồ lưu niệm, bên kia đường là những quán cà phê trang trí với hoa rực rỡ.

Tôi dừng chân bên tiệm cà phê nhỏ, ngắm nhìn dòng người đang thong dong dạo bước dưới nắng hè. Thi thoảng bạn sẽ bắt gặp những cô gái Nga xinh đẹp trong chiếc đầm dài, tay cầm chiếc túi nhỏ xinh, uyển chuyển bước đi trên đôi giày cao gót, bỏ lại phía sau vài gã trai ngoại quốc đang ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Nếu có thời gian, bạn nên ghé thăm Đồi Chim Sẻ, nơi được người Nga ví như tâm hồn, lá phổi xanh của Moskva. Từ đây bạn có thể nhìn gần như toàn cảnh thành phố.

Gần đó là Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU), nơi đã đào tạo rất nhiều cán bộ khoa học của Việt Nam.

Trong những ngày diễn ra World Cup, Đồi Chim Sẻ cũng có một Fanzone (FIFA Fan Fest). Nơi đây sẽ chiếu trực tiếp các trận đấu cùng các hoạt động giao lưu thể thao trong ngày.

Ảnh: Ngọc Ánh, Ngọc Mai

Nguyễn Ngọc Mai

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat