Trong vòng 2 tuần, chị Phi Uyên (43 tuổi, người Việt đang sinh sống tại Australia) băng ngang sa mạc Namib, qua Damaraland tới trung tâm Kaokoveld để tìm bộ lạc du mục chăn dê. Umana, con trai tộc trưởng, đã xẻo thịt một con dê để đón đoàn của chị Uyên.
Thịt là xa xỉ phẩm với cả bộ tộc. Ở đây, họ thường xuyên ăn cháo ngô và dùng dê để đổi lấy nước uống hay chăn ấm. Chị Uyên cho biết, chị cảm thấy vinh dự khi nhận được sự đón tiếp này.
“Những người phụ nữ quây quần quanh đống lửa cùng nhau ăn uống, họ chào đón chúng tôi bằng những nụ cười và điệu nhảy đặc biệt”, nữ du khách kể lại.
Một trong những lý do khiến chị Uyên quyết định đến Namibia là mong muốn tìm hiểu về bộ tộc Himba, nơi phụ nữ để ngực trần, không bao giờ tắm với nước và dùng đất sét để bện tóc.
Ngày nay, bộ tộc còn khoảng 50.000 người, sống tập trung tại tây Kaokoland, phía bắc đất nước. Nhóm của chị Uyên đến Namibia vào tháng 8, thời điểm khi đó đang là mùa xuân, tiết trời mát mẻ, sáng và tối se lạnh. Điều này cũng giúp chuyến đi của các du khách Việt thuận lợi hơn.
Chị Uyên mặc áo dài khi thăm Sossusvlei, khu vực lòng chảo được bao quanh bởi các cồn cát đỏ.
Nhóm của chị Uyên thuê xe tự lái, tuy nhiên vẫn đăng ký tour khám phá của người địa phương. Dù đã tìm hiểu trước về lối sống của bộ lạc nơi đây, chị Uyên vẫn ngỡ ngàng khi ngôi làng dần mở ra với những căn nhà hình nón, xây dựng bằng bùn đất.
Theo quan niệm của người Himba, cách xây dựng nhà như vậy mang lại may mắn, xua đuổi tà ma và giúp phụ nữ luôn tươi trẻ. Cũng vì thế, phụ nữ Himba luôn được coi là đẹp nhất “lục địa đen” và biết cách làm đẹp.
Những bà vợ ở bộ tộc dùng phần đất đỏ trộn với bơ béo từ sữa dê để làm ojitze, một thứ hỗn hợp bôi lên da và tóc để bảo vệ cơ thể khỏi cái nắng xích đạo.
Nước rất khan hiếm trên sa mạc Kaokoveld, người Himba không bao giờ tắm. Họ đốt cây cỏ thơm và trùm chăn da dê để xông khói, sau đó lại thoa ojitze lên da và tóc.
“Khi đến làng, gần như không có người đàn ông nào bởi họ thường phải đi chăn gia súc ở xa, lâu lâu mới về một lần. Trẻ con và những người phụ nữ để ngực trần đi loanh quanh trong làng”, chị Uyên kể.
Nữ du khách cho biết, cô thực sự bị thu hút bởi cuộc sống nguyên thủy ở ngôi làng này.
Chị mải miết ngắm nhìn bộ tộc thực hiện những nghi lễ hàng ngày trong kinh ngạc và ngưỡng mộ. Họ để cơ thể trần trụi, những bộ ngực không mặc “xiêm y” nên chảy xệ tới bụng.
Khi tắm, họ ngồi bệt xuống đất, đốt những mảnh gỗ nhỏ trên một viên gạch. Khi khói bắt đầu tỏa ra, họ đưa lên nách, cổ, ngực và di chuyển làn khói khắp cơ thể.
Khi trò chuyện với những người phụ nữ Himba, chị Uyên ngỏ ý muốn mượn phụ kiện, trang sức làm bằng tay của các cô để chụp ảnh, những cô gái này đã kéo chị Uyên tham gia cùng.
Vợ của một tộc trưởng ra hiệu cho chị Uyên trút bỏ quần áo. “Tôi tái mặt vì xấu hổ, vì chưa từng thoải mái với thân thể của chính mình, chưa kể đến việc khỏa thân trước những con người xa lạ”, nữ du khách kể lại.
Chị Phi Uyên được những người phụ nữ Himba bôi Otjize kín người. Nữ du khách gọi trải nghiệm này “liều mình” nhưng đã đổi lại những giây phút hiếm có trong đời (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị nhìn những người phụ nữ quanh mình, họ tự hào phơi ra khuôn ngực trước cả thế giới. “Cô đã là người Himba rồi, hãy tự tin với bộ ngực của mình, đừng sợ”, một người phụ nữ nói với chị Uyên bằng tiếng anh.
Sau đó, nữ du khách tham gia trải nghiệm tắm khói và hóa trang thành người Himba nhưng với trang phục kín đáo hơn.
Hai cô gái thoa bột màu, một người khác giúp chị thay trang phục là chiếc váy màu xanh, sau đó họ giúp tết tóc, bôi Otjize từ đầu tới chân. Xong xuôi, họ nắm tay chị ra ngoài, cùng hát và nhảy những điệu mạnh mẽ.
Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đeo vài món trang sức, không ngờ được thử trét màu khắp người, rồi quyết định thoa lên cả mặt, cuối cùng “cô Himba đỏ” người Việt có một trải nghiệm thú vị đáng nhớ trong đời”, chị Uyên hào hứng kể lại.
Vui chơi ở làng hết buổi sáng, chị Uyên trở về khách sạn nghỉ ngơi. Otjize bám rất chắc trên da vì có lớp mỡ. Chị dùng cả lọ sữa tắm, nước tẩy trang, dùng miếng bông tắm cọ rát da ba lần vẫn chưa hết hẳn màu đỏ tệp vào người.
Có thể khẳng định Otjize có khả năng chống nắng và không bị trôi ngay cả khi đổ mồ hôi.
Văn hóa Himba ngày nay ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mai một bởi thế giới hiện đại. Một số làng của người Himba, thay vì đi săn bắn, họ chuyển sang đón khách du lịch, trẻ em cũng được mặc áo phông.
Dù vậy với chị Uyên, đây vẫn là một trong những bộ tộc độc đáo, giữ nguyên nét đẹp truyền thống nhất chị từng được ghé thăm.
Ngoài ngôi làng người Himba, nơi chị Uyên ấn tượng nhất trong hành trình là Sossusvlei, khu vực lòng chảo được bao quanh bởi các cồn cát đỏ, nằm ở phía nam sa mạc Namib, trong Vườn quốc gia Namib-Naukluft. Khung cảnh cây cối khô không lá, bao quanh toàn cát khiến chị ngỡ như đang đặt chân tới sao Hỏa.
Hành trình của chị Uyên trải dài hơn 4.000km, qua núi đá Spitzkoppe (trong sa mạc Namib), rừng cây Kokerboom ở vùng Karas… Với chị, Namibia là một vùng đất đẹp từ chính điều kiện khắc nghiệt nhất, với sa mạc bất tận, đồi núi trập trùng nhưng cằn cỗi, khô hạn. Người dân ở đây rất mến khách và an ninh tương đối an toàn.
Chi phí của chuyến đi là 1.700 USD/người (khoảng 40 triệu đồng), chưa bao gồm vé máy bay.
Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment