Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt “dọn tổ đón đại bàng” đầu tư ~ Công Ty Du Lịch Hà Nội Việt Nam

Wednesday, June 19, 2024

Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt “dọn tổ đón đại bàng” đầu tư

Thiếu “8 giờ vàng”, Đà Lạt mất cơ hội đón “đại bàng”?

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam và thành phố Đà Lạt là 1 trong 10 địa phương được chọn thí điểm triển khai mô hình này.

Trong suốt thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng và chính quyền thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch, phát triển các sản phẩm du lịch để khai phá “mỏ vàng kinh tế đêm”. Tuy nhiên, việc phát triển chưa thực sự hiệu quả và vấn đề khách đi đâu, làm gì sau 22h vẫn là câu hỏi lớn chưa được giải đáp.

Hồi tháng 3, đại diện các nhà đầu tư ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã đến thành phố Đà Lạt để khảo sát, đầu tư sự kiện âm nhạc có giá trị trên 4 triệu USD.

Sau cuộc khảo sát và làm việc với chính quyền địa phương, các nhà đầu tư vẫn chưa dám “xuống tiền” do thành phố Đà Lạt không đáp ứng được yếu tố “8 giờ vàng”, tức hoạt động dịch vụ từ 22h hôm nay đến 6h hôm sau.

Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt

Người dân, du khách đến trải nghiệm tại trung tâm thương mại dưới chân Quảng trường Lâm Viên (Ảnh: Minh Hậu).

Ông Duy Đoàn, đại diện Hiệp hội Công nghiệp nền tảng phân phối trực tuyến Hàn Quốc (KODPIA) tại Việt Nam cho hay, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất thiện chí và mong muốn được hợp tác lâu dài. Họ cũng muốn tổ chức sự kiện âm nhạc hàng năm tại thành phố nhưng dịch vụ kinh tế đêm Đà Lạt hiện nay không đảm bảo.

Theo người đại diện KODPIA tại Việt Nam, sau các cuộc khảo sát, nhà đầu tư Hàn Quốc nhận định thành phố Đà Lạt đáp ứng tốt về không gian tổ chức sự kiện, đáp ứng tốt về vấn đề giao thông. Địa phương này cũng đảm bảo về vận chuyển hành khách khi đã có chuyến bay thẳng từ sân bay Liên Khương qua Hàn Quốc và ngược lại.

Ông Duy Đoàn nói: “Nhà đầu tư chia sẻ rằng họ sẵn sàng bao luôn các chuyến bay Hàn Quốc – Liên Khương trong quá trình diễn ra sự kiện”. Đại diện KODPIA tại Việt Nam chia sẻ thêm, do thành phố Đà Lạt không đáp ứng được vấn đề dịch vụ kinh tế đêm nên sự kiện âm nhạc đã được đối tác chuyển hướng đầu tư nơi khác.

Nói về cơ hội các show trình diễn âm nhạc mang lại, ông Duy Đoàn chia sẻ, Đà Lạt đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc) trao thư xác nhận chính thức gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” vào năm 2023. Do vậy, sự kiện âm nhạc của nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ là nền tảng để thành phố quảng bá hình ảnh ra thế giới.

“Singapore đã kéo các sự kiện âm nhạc quốc tế và họ đã có sự thành công lớn. Thành phố Đà Lạt cũng cần có những cú hích để nâng tầm, cần hút những show âm nhạc đủ lớn để tạo tiếng vang.

Qua các sự kiện này, du khách sẽ biết đến Đà Lạt nhiều hơn và các nhà đầu tư trên thế giới sẽ nhìn nhận Đà Lạt ở một góc độ nhiều tiềm năng, cơ hội”, ông Duy Đoàn nói.

Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt

Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc phục vụ du khách trên chuyến tàu đêm Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

Sau 22h, Đà Lạt thiếu chỗ cho du khách vui chơi, chi tiền

Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển sản phẩm du lịch kinh tế đêm, ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietravel Đà Lạt chia sẻ, hiện nay đơn vị phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức tour du lịch trên chuyến tàu đêm và mang lại hiệu quả.

Theo ông Nghĩa, khách du lịch mua vé trải nghiệm, trong đó bao gồm các chi phí về dịch vụ đi lại, phí tham quan, ẩm thực.

“Vấn đề đặt ra tiếp theo là sau bữa ăn tối, du khách còn một lượng lớn tiền nhàn rỗi và chưa có nơi để chi tiêu. Đây là thời điểm mà các nhà kinh doanh dịch vụ có thể khai thác, gia tăng doanh thu”, ông Nghĩa nói.

Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt

Du khách tìm đến không gian nhà hàng ở khu vực Xóm Lèo, phường 12, thành phố Đà Lạt trước 22h (Ảnh: Minh Hậu).

Đại diện Vietravel Đà Lạt cho biết thêm, hiện nay, các tour du lịch mà đơn vị này khai thác đã đạt đến 23h, thậm chí đến 0h. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiến hành mở thêm sản phẩm để phát triển xuyên đêm.

Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa nói: “Chúng tôi nhận phản hồi của nhiều du khách. Có ý kiến cho rằng sau 22h, các dịch vụ ở Đà Lạt ngưng hoạt động. Nhiều người muốn mua nhu yếu phẩm nhưng thành phố không có gian hàng, tạp hóa mở cửa 24/24”.

Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt

Nhóm nữ du khách dùng bữa tối tại khu nhà hàng ở Xóm Lèo, phường 12, thành phố Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

Chung quan điểm, một đại diện khai thác du lịch ở thành phố Đà Lạt chia sẻ, sau bữa cơm tối là thời gian “vàng” để phát triển kinh tế du lịch. Thời gian này, người dân địa phương ra phố vui chơi, trải nghiệm và họ sẽ cùng với du khách tạo nên một thị trường tiềm năng. Ông Nghĩa nói, TPHCM và một số địa phương khác đã làm rất tốt vấn đề này, đặc biệt đã phát triển mạnh về dịch vụ sau 22h.

Phát triển kinh tế đêm để Đà Lạt

Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc tại phố đi bộ Trần Quốc Toản (Ảnh: Minh Hậu).

Kinh tế đêm Đà Lạt thiếu “8 giờ vàng”

Đầu tháng 6, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức tọa đàm phát triển du lịch thành phố Đà Lạt. Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, đại diện các sở, ban, ngành cùng các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tại đây, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp phát triển du lịch có ý kiến cho rằng, kinh tế đêm Đà Lạt đang thiếu “8 giờ vàng”, tức các hoạt động kinh tế đêm kéo dài từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau.

Ông Duy Đoàn, đại diện Hiệp hội Công nghiệp nền tảng phân phối trực tuyến Hàn Quốc (KODPIA) tại Việt Nam đặt vấn đề: Nhiều chương trình nghệ thuật kết thúc vào 22h và sau thời gian này du khách sẽ đi đâu, sẽ làm gì?

“Đối với họ (khách du lịch) chuyện chi phí không phải vấn đề. Chúng ta đang thực sự không khai thác được “8 giờ vàng”, ông Duy Đoàn nói và cho biết thêm ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đều có thành phố du lịch phát triển mạnh kinh tế đêm với dịch vụ ăn uống, buôn bán, vui chơi đến sáng hôm sau.

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat