Wednesday, June 19, 2024

Tranh cãi phố cà phê đường tàu: Nín thở khi tàu vụt qua, lao ra đường ray

“Đùa giỡn tính mạng” tại phố cà phê đường tàu

Sự việc nữ du khách nước ngoài chạy ra giữa đường ray khi tàu hỏa lao đến hôm 17/6 một lần nữa dấy lên những tranh cãi có nên “khai tử” phố cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trên thực tế, từ tháng 9/2022, con phố này nhiều lần bị đóng cửa, cấm kinh doanh vì lý do không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt. 

Chính quyền đã bố trí lực lượng chốt chặn, mỗi ca ba người, không cho phép khách đi vào khu vực phố đường tàu.

Tuy nhiên, địa bàn này có nhiều ngõ nhỏ, thông sang các đường khác nên chủ kinh doanh vẫn dắt khách vào trong mà không cần đi qua chốt. Khi bị hỏi, nhiều người nói đó là “người quen, họ hàng” từ xa đến, không phải khách tham quan.

Tranh cãi phố cà phê đường tàu: Nín thở khi tàu vụt qua, lao ra đường ray - 1

Khoảnh khắc nữ du khách lao ra giữa đường ray khi tàu hỏa lao đến (Ảnh cắt từ video).

“Nếu để tình trạng kinh doanh như hiện nay mà không có biện pháp an toàn thì sẽ là sự đánh đổi tính mạng. Sự việc sẽ tiếp diễn cho đến khi sự cố tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Một sự đánh đổi quá lớn. Hãy xem xét dựng một hàng rào phù hợp làm hành lang an toàn và chỉ kinh doanh trong phạm vi vậy thôi”, độc giả Minh Nguyễn nêu quan điểm. 

“Hành vi của một người làm ảnh hưởng cả một con phố. Nếu cấm khu phố đường tàu thì mất điểm nhấn của du lịch Hà Nội, mất đi nơi kinh doanh của những hộ dân, mà không cấm thì đúng chẳng biết đâu mà lần khi xảy ra tai nạn”, độc giả Trần Việt bình luận. 

“Không chỉ Việt Nam có cà phê đường tàu. Hình thức kinh doanh này không đúng quy định nhưng là một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Thay vì cấm thì nên có biện pháp vừa khai thác vừa đảm bảo an toàn cho du khách và chạy tàu. Có thể giảm tốc độ tàu chạy khi qua khu vực này, lắp các chuông đèn báo hiệu cảnh báo khi sắp có tàu chạy qua.

Chúng ta không nên cứng nhắc cái gì không quản lý được thì sợ trách nhiệm rồi cấm. Cấm nhưng người ta vẫn làm còn nguy hiểm hơn”, độc giả Trung Dũng bình luận. 

Tranh cãi phố cà phê đường tàu: Nín thở khi tàu vụt qua, lao ra đường ray - 2

Phố cà phê đường tàu đông đúc khách Tây trước khi bị yêu cầu “xóa sổ” (Ảnh: Mạnh Quân).

“Nín thở” ngồi uống nước sát đoàn tàu đang chạy

Đây không phải lần đầu du khách trải nghiệm “cảm giác mạnh” khi đoàn tàu vụt qua tại phố cà phê đường tàu. Việc chủ quán và du khách bất chấp lệnh cấm và cảnh báo nguy hiểm đã dẫn đến nhiều tình huống tranh cãi. 

Khi phố cà phê đường tàu từ Trần Phú đến Phùng Hưng bị cấm hoạt động, nhiều quán cà phê mọc lên ở đoạn đường tàu từ trạm chắn Trần Phú tới Điện Biên Phủ (quận Ba Đình).

Đoạn phố này được nhiều du khách truyền tai nhau, gọi là “phố cà phê đường tàu mới”, dài khoảng 300m.

Cuối tháng 9/2023, Lavina Sabnani cùng chồng đến Hà Nội trải nghiệm “phố cà phê đường tàu mới”. 

“Thực sự choáng ngợp và thú vị”, Lavina nói, biết đến phố cà phê đường tàu Hà Nội từ một video trên nền tảng mạng xã hội. 

Tranh cãi phố cà phê đường tàu: Nín thở khi tàu vụt qua, lao ra đường ray - 3

Khách Tây kinh ngạc trải nghiệm phố cà phê đường tàu Hà Nội (Nguồn: Lavina Sabnani).

Cô cho biết trước khi đoàn tàu đến, chủ quán cà phê thu dọn nhiều bàn ghế, yêu cầu du khách di chuyển đến nơi an toàn.

“Họ đến bàn chúng tôi dặn vị trí để chân và tay, khuyến cáo không quay đầu nhìn lại”, nữ du khách kể.

Tiếng còi tàu vang lên từ xa, trong khoảnh khắc tàu hỏa chạy vụt qua, sát ngay bàn của Lavina, cô thốt lên kinh ngạc: “Ôi trời, đây quả là trải nghiệm độc đáo”. Cô gái 29 tuổi tỏ ra bất ngờ về kích thước và tốc độ của tàu. 

Yêu thích trải nghiệm mới lạ, Lavina gặp gỡ và trò chuyện với chủ quán cà phê cùng một số du khách khác. 

“Đây là một trải nghiệm có thể khiến bạn lo lắng hoặc sợ hãi. Một con tàu khổng lồ chạy qua ngay sát bàn ăn của những du khách. Đây chắc chắn là địa điểm ăn uống vô cùng độc đáo”, chuyên trang Unilad bình luận về đoạn video của Lavina.

Dưới bài đăng, nhiều người dùng nước ngoài bày tỏ sự phấn khích, liên tục hỏi xin địa điểm của quán cà phê. 

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc du khách ngồi gần đoàn tàu đang chạy tiềm ẩn nguy hiểm “chết người” và “một sai lầm nhỏ có thể trở thành tai nạn”.

Tranh cãi phố cà phê đường tàu: Nín thở khi tàu vụt qua, lao ra đường ray - 4

Khách Tây kéo sang trải nghiệm “phố cà phê đường tàu mới” (Ảnh: Toàn Vũ).

Vì sao khách quốc tế vẫn bất chấp kéo đến phố cà phê đường tàu Hà Nội?

Nhiều du khách quốc tế nhận xét phố cà phê đường tàu Hà Nội là “điểm du lịch phải ghé đến một lần trong đời”.

Trước lệnh cấm, nhiều đoàn khách Tây ngay khi đáp xuống sân bay Nội Bài, câu đầu tiên nói với hướng dẫn viên là: “Chúng tôi muốn đến xóm cà phê đường tàu!”. Cũng có người sẵn sàng chi nhiều tiền, bay nửa vòng trái đất, chỉ để chiêm ngưỡng tàu hỏa chạy qua khu vực dân sinh.

Họ cảm thấy phố cà phê đường tàu gói gọn những điều tìm kiếm ở Hà Nội, bao gồm lịch sử, văn hóa và con người. Thay vì đến nhiều nơi và góp nhặt từng trải nghiệm, thì họ đến đây, cảm nhận mọi thứ, hơn hết là không có sự nhàm chán.

“Tôi nghĩ xóm cà phê đường tàu có một sức hút nhất định. Du khách đều công nhận đây là điểm du lịch sống động, không nhàm chán, hoặc có thể gắn với lịch sử của người dân đường tàu từ thời kỳ chiến tranh, nên cũng rất hân hoan khi thấy đoàn tàu chạy qua”, chị Nguyễn Thị Dung, một trong những người đầu tiên mở quán cà phê đường tàu, cho biết.

Tranh cãi phố cà phê đường tàu: Nín thở khi tàu vụt qua, lao ra đường ray - 5

Du khách thích trải nghiệm “cảm giác mạnh” khi đoàn tàu chạy qua trước mặt (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel phân tích tâm lý chung của du khách là mong muốn trải nghiệm những điều khác lạ, độc đáo mà nước họ không có, thì xóm cà phê đường tàu đáp ứng được các tiêu chí đó.

Dù xóm cà phê đường tàu nhận về nhiều quan điểm trái chiều, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt, nhưng dưới góc độ du lịch, ông Đạt cho rằng đây là điểm đến có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt với du khách phương Tây.

“Tôi nghĩ xóm cà phê đường tàu nên được phát triển hơn là ngăn cấm, thí điểm giải pháp vừa an toàn vừa có sản phẩm phục vụ du lịch”, chuyên gia bày tỏ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, nhận định không phải ngẫu nhiên phố đường tàu lại có sức hút đặc biệt đối với khách nước ngoài. Việc đóng cửa con phố này, theo ông Lương, là “một điều đáng tiếc”.

Ông Đạt từng đề xuất các quán cà phê bố trí khách ngồi trong nhà hoặc trên sân thượng để du khách thư giãn chờ đợi tàu đi qua. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán để tạo hiệu ứng hấp dẫn khi chờ tàu.

“Không chỉ biến đây thành điểm check-in thu hút khách mà còn có thể tính đến việc xây dựng, quảng bá các tour du lịch bằng tàu hỏa như Hà Nội – Lào Cai. Các chuyến tàu có thể được thiết kế bắt mắt, bổ sung nhiều dịch vụ hấp dẫn bằng tàu hỏa, thu hút du khách trải nghiệm, tạo doanh thu cho ngành đường sắt”, ông Đạt nói.

PGS.TS Phạm Trung Lương kiến nghị xây dựng đề án quy hoạch cụ thể, các chủ kinh doanh ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Du khách muốn đến tham quan cũng cần cam kết tuân thủ các quy định an toàn, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.  

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat