Đậu phụ vốn là món ăn quen thuộc của mọi gia đình. Vẫn là nguyên liệu từ những hạt đậu tương nhưng mỗi nơi lại có cách làm đôi chút khác biệt, tạo nên món đậu phụ đặc trưng từng vùng miền.
Ở thị trấn Na Sầm thuộc tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã nổi danh với món đậu phụ cùng tên mà du khách vẫn bảo nhau nếu có dịp đến thăm nhất định phải nếm thử.
Theo chị Thu, người chuyên làm đậu Na Sầm và bày bán ở chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn, để có mẻ đậu ngon bán buổi sớm thì phải dậy từ 3h. Các công đoạn làm đậu cũng cầu kỳ.
Trước tiên người làm đậu phải chọn loại đỗ tương hạt to đều, tròn mẩy. Sau khi ngâm đỗ 1-2 tiếng sẽ cho vào máy xay thành bột và máy lọc vắt lấy nước. Công đoạn tiếp theo sẽ đổ hỗn hợp vào xoong đun sôi và pha chế tới khi nước đậu kết tủa thành váng.
Sau đó, người làm sẽ đặt vào khuôn gói thành từng cái đậu. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian bởi phải gói 2 lần mới ra thành phẩm là miếng đậu vuông vắn, đẹp mắt. Lúc nén đậu cũng cần kinh nghiệm sao cho nén chắc tay để miếng đậu không bị nát.
Nét đặc trưng nhất của đậu Na Sầm là hương vị thanh mát, có thể ăn sống vẫn ngon. Cầu kỳ hơn, người nội trợ mua những miếng đậu sống về cắt thành miếng nhỏ rồi rán to lửa để bên ngoài giòn rụm, bên trong mềm mịn béo ngậy và chế biến thành nhiều món ngon khác.
Nhiều năm qua, đậu phụ Na Sầm không chỉ được tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh thành lân cận bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, những ngày qua, món ăn này đang “làm mưa làm gió” trên nhiều chợ mạng tại Hà Nội.
Rất nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán món đậu được quảng cáo “mềm mượt như đậu hũ non” khiến nhiều bà nội trợ Hà thành háo hức đặt mua.
Mở điện thoại thấy liên tục hình ảnh quảng cáo về món ăn này khiến chị Vy Trần “quyết không đứng ngoài cuộc”. Vì nhà đông người nên chị mua 10 bìa với giá 140.000 đồng chưa kể phí vận chuyển. Bà nội trợ dự định chế biến đậu rán chấm mắm tôm và đậu sốt cà chua cho cả nhà nếm thử.
Tuy nhiên sau một hồi đứng rán mẻ đậu vàng ruộm, vị khách nếm thử thấy hương vị có mùi chua nồng khó ăn, khác hẳn lời quảng cáo của nhiều tiểu thương chợ mạng.
Sau khi tìm hiểu, chị Vy mới vỡ lẽ những bìa đậu phải qua khâu vận chuyển khá lâu từ Lạng Sơn tới Hà Nội rồi mới tới tay người tiêu dùng. Trong những ngày nóng bức, nếu bảo quản không tốt sẽ khiến đậu biến chất rất nhanh và bị chua nhớt không dùng được.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, đậu Na Sầm bày bán ở thành phố Lạng Sơn có giá dao động từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/bìa. Nhưng khi tới tay người tiêu dùng tại Hà Nội có thể lên tới 14.000 đồng/bìa chưa kể chi phí vận chuyển.
Bản thân là người làm đậu lâu năm ở chợ Giếng Vuông, chị Thu cho biết trong những ngày qua có một số người gọi điện liên hệ vì muốn nhập đậu về Hà Nội bán. Tuy nhiên sau một vài lần gửi đậu, chị Thu quyết định dừng lại vì biết các mẻ đậu gửi xuống đến nơi hầu hết đều bị hỏng.
“Đậu Na Sầm chỉ bảo quản trong vài tiếng mới giữ được hương vị tươi ngon. Nếu vận chuyển tới tỉnh xa phải đóng thùng và cho nước đá vào trong. Tuy nhiên cách làm này cũng rất dễ khiến đậu bị chua nhớt”, chị nói.
Cũng vì lý do này, chị Ngọc Trâm, hiện sinh sống và làm việc ở thành phố Lạng Sơn, thấy nuối tiếc vì món đậu nổi tiếng ở quê nhà bị hiểu lầm là kém ngon.
“Nếu có dịp tới Lạng Sơn, du khách nên mua và ăn thử trực tiếp. Thực phẩm vận chuyển đi nơi xa dễ bị biến đổi chất nếu không bảo quản tốt. Bởi vậy mỗi người nên mua hàng tỉnh táo, đừng mua theo trào lưu rồi mất giá món đậu ngon của xứ Lạng”, chị Trâm bày tỏ.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment