Ghé vào quán nhỏ có đề bảng “Bánh cuốn Cao Bằng” trên đường Nguyễn Văn Lượng (Gò Vấp, TPHCM), nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy người phụ nữ tất bật tráng bánh cuốn bên góc bếp nghi ngút khói, diện trên người bộ trang phục điệu đà, khoe vai trần.
Chủ quán bánh cuốn này là chị Minh Hà (SN 1989). Trang phục với phong cách nữ tính, dịu dàng của chị Hà, trông có vẻ không “ăn nhập” gì với công việc chị đang làm, nhưng lại là một trong những điều khiến tiệm bánh cuốn này gây ấn tượng với nhiều người.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hà cho biết bản thân có thời gian dài làm việc văn phòng, nên có nhiều quần áo, váy vóc đẹp. Thế nên dù đã nghỉ việc, mở tiệm bán bánh cuốn, chị vẫn giữ thói quen ăn mặc đẹp, tận dụng tủ đồ vốn có của mình.
Có nhiều người nhận xét trang phục của chị Hà có phần rườm rà, không phù hợp với việc buôn bán, bếp núc. Song, với chị, trang phục khiến chị thấy thoải mái, không ảnh hưởng đến công việc là được.
“Có những hôm trời nóng nực, mặc váy vóc không phù hợp, tôi cũng diện những bộ quần áo đơn giản hơn. Nói chung, vì tôi yêu cái đẹp, có sẵn nhiều quần áo theo phong cách nữ tính như thế nên cứ mặc thôi, chứ không phải ăn mặc theo một quy tắc đặc biệt nào”, chị Hà bày tỏ.
Nói về quyết định dừng công việc văn phòng để mở tiệm bánh cuốn, chị Hà cho biết khi nấu món ăn của Cao Bằng – nơi chị sinh ra và lớn lên, chị cảm thấy mình được gần gũi với quê hương, đồng thời tâm hồn chị cũng thấy thư thả, thoải mái hơn.
Chị nói thêm, khi còn đi học ở quê, nhờ thường xuyên phụ chị gái bán bánh cuốn nên chị nắm được công thức làm bánh cuốn của quê nhà. Giờ đây, chị cứ “theo ký ức mà làm”.
“Làm việc văn phòng giờ giấc cố định, có xin nghỉ được tôi cũng khó lòng nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Không chỉ vậy, tôi còn không chủ động được thời gian dành cho gia đình. Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc, mở tiệm bánh cuốn”, chị Hà tâm sự.
Từ đó, tiệm bánh cuốn của người phụ nữ gốc Cao Bằng ra đời. Đến nay, chị đã kinh doanh được gần 2 tháng. Hằng ngày, chị Hà dậy từ 4h, chuẩn bị nguyên liệu, bày biện bàn ghế để bắt đầu bán đồ ăn sáng cho những vị khách đầu tiên.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bánh cuốn tại quán của chị Hà cũng được chế biến từ bột gạo, bên trong có nhân thịt bằm và nấm mèo, ăn kèm hành phi như bánh cuốn ở nhiều tiệm khác tại TPHCM.
Tuy nhiên, thay vì ăn với nước mắm tỏi ớt, bánh cuốn Cao Bằng sẽ ăn kèm với nước hầm xương, chả và măng ớt ngâm quả mác mật.
Chị Hà chia sẻ, bánh cuốn Cao Bằng vốn chỉ có nhân thịt nhưng nhiều khách hàng ở TPHCM thích nấm mèo nên chị mới thêm nấm mèo vào phần nhân bánh.
“Phần nhân thịt bằm và nấm mèo được tôi chuẩn bị, nêm nếm từ tối hôm trước. Khuya tôi hầm xương, nấu nước dùng cho khách ăn kèm. Vì bán tại TPHCM nên ngoài nước hầm xương, tôi cũng có để thêm nước mắm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chị Hà kể.
Bánh cuốn ở quán của chị Hà còn ăn kèm thịt nướng có vị đậm đà. Đây cũng là một trong những điều khác biệt giữa bánh cuốn Cao Bằng so với nhiều quán bánh cuốn ở TPHCM. Chị còn bán bánh cuốn trứng (bột bánh pha thêm trứng gà), trứng lòng đào, được nhiều thực khách ưa chuộng.
“Nói chung, cách làm bánh cuốn của tôi cũng không quá đặc biệt. Tuy nhiên, để có hương vị đặc trưng của bánh cuốn Cao Bằng, tôi phải hầm xương kỹ để có nước dùng đậm đà. Còn vỏ bánh được làm từ bột gạo nguyên chất, không pha thêm chất phụ gia.
Gạo để xay bột làm bánh cũng như chả ăn kèm bánh, tôi phải nhờ xe vận chuyển từ Cao Bằng xuống TPHCM. Quán mới mở, nên tôi nhập nguyên liệu chưa nhiều. Cách 10 ngày, tôi lại nhập gạo về một lần. Hôm nào không nhập gạo kịp, tôi phải đóng cửa quán vì nếu không đúng gạo để làm bột, bánh sẽ không ngon”, chị Hà nói.
Bánh cuốn ở quán của chị Hà dao động từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng/đĩa, đã bao gồm nước hầm xương. Nếu muốn thêm trứng lòng đào, khách hàng cần chi thêm 10.000 đồng. Nhiều khách hàng khen ngợi phần ăn của quán “ăn no bụng”, rất thích hợp để ăn sáng.
Chị Hà tâm sự, vì mới mở quán không lâu, nên lượng khách đến quán của chị chưa quá đông đúc. Dù vậy, quán chị vẫn có một lượng khách quen nhất định. Thậm chí, có người còn ăn bánh cuốn của chị liên tục cả tuần. Mỗi ngày, quán chị mở cửa từ 6h và đóng cửa lúc 18h.
Tuy làm việc không ngơi tay từ sáng đến tối, có hôm mệt lã người, nhưng chị Hà lại rất vui với công việc của mình, bởi nó khiến chị thoải mái, bình yên, không áp lực.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment