Sunday, July 14, 2024

Dẹp ăn xin: Đừng nên “hô hào” khẩu hiệu suông

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 ban hành, du lịch được chọn là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, điểm nhấn xây dựng Bình Định trở thành điểm du lịch “3 tốt” (an ninh tốt, môi trường và quan hệ cộng đồng tốt) và “3 không” (không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin). Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: “Quy Nhơn – thành phố du lịch sạch ASEAN”.

Thậm chí, để hiện thực hoá môi trường du lịch “sạch”, văn minh, Đề án Tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, đã được lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định ban hành, từ tháng 2/2021.

Tuy nhiên, qua con số thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, thì tình trạng lang thang cơ nhở, ăn xin, trên địa bàn lại đang có chiều hướng, tăng dần qua các năm. Càng đáng lo hơn, chủ yếu tập trung tại Quy Nhơn – thành phố từng được 2 lần vinh danh là thành phố du lịch sạch ASEAN.

Dẹp ăn xin: Đừng nên "hô hào" khẩu hiệu suông- Ảnh 1.

Tình trạng ăn xin tại TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: DT.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện Đề án Tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, tại TP Quy Nhơn thì tình trạng này, số lượng còn rất lớn.

Năm 2021, ngành chức năng đã thu gom 79 đối tượng, năm 2022 là 50 đối tượng, năm 2023 là 81 đối tượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã có đến 48 đối tượng.

“Chủ yếu là người có hộ khẩu ngoài tỉnh nên việc quản lý các đối tượng, gặp rất nhiều khó khăn”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh nói.

Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã tích cực vào cuộc, phối hợp với UBND TP Quy Nhơn thu gom các đối tượng lang thang cơ nhở, ăn xin, đưa về Trung tâm cai nghiện ma tuý. Đây là địa chỉ tiếp nhận ban đầu, sau đó phân loại, đủ điều kiện thì đưa về trung tâm tâm thần, trung tâm bảo trợ và những trường hợp có hộ khẩu, thì trả về cho địa phương quản lý.

“Tới đây, chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa, để xử lý rốt ráo tình trạng này”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh cho hay.

Các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, chủ yếu là người già, trẻ em và phần nhiều ở TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, trên thực tế một số trường hợp sau khi bị tập trung, xác minh có thân nhân, có nơi cư trú, đã viết cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) xin về gia đình, không đi lang thang, xin ăn nữa, nhưng sau đó vẫn “ngựa quen đường cũ” và bị tập trung lần 2, lần 3.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, số người lang thang, xin ăn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là người ngoài tỉnh và không rõ nơi cư trú (chiếm gần 2/3 số đối tượng tập trung từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh).

Công tác tuyên truyền để người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn chưa đạt hiệu quả. Công tác phối hợp của cộng đồng dân cư chưa cao, nên việc báo tin đối tượng lang thang, xin ăn cho lực lượng chức năng chưa kịp thời…

Thực tế, du khách đến Quy Nhơn đã bị quấy rầy và rất khó chịu vì tình trạng ăn xin. Sáng 13/7, tôi cùng nhóm du khách đến từ TP.HCM đang ngồi tại 1 quán cà phê ngay trên bãi biển Quy Nhơn, thì bất ngờ có 1 người đến chìa nón để xin tiền.

“Ngoài cảnh đẹp thì không khí ở Quy Nhơn rất yên bình, thân thiện và nhẹ nhàng. Môi trường trong lành, nhưng nếu vẫn để tình trạng người xin tiền thế này thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch”, một du khách đến từ TP.HCM than phiền.

Dẹp ăn xin, lang thang cơ nhở không phải là chuyện khó, vấn đề là làm sao để không tái diễn. Phải huy động cả hệ thống chính trị, trấn áp đội “chăn dắt”, dùng biện pháp mạnh tay đối với những kẻ “trục lợi” nhưng cũng cần chính sách nhân văn, đối với những đối tượng thực sự khó khăn.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh, Quy Nhơn được đánh giá là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện và hấp dẫn. Sự hài lòng của du khách đối với môi trường du lịch Quy Nhơn, đã góp phần thu hút du khách đến với Bình Định, trở thành điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng chèo kéo, người lang thang xin ăn… tập trung ở khu vực đông khách du lịch như: điểm đến, nhà hàng, bãi biển, làm mất mỹ quan, gây phản cảm, thiếu văn minh, tạo ấn tượng không tốt đối với du khách.

“Sở Du lịch đã phối hợp với Sở ngành liên quan, UBND TP.Quy Nhơn và chính quyền các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp lang thang xin ăn, gây hình ảnh phản cảm, tạo ấn tượng không tốt cho du khách. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền các nhà hàng, quán ăn nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên, xây dựng hình ảnh thành phố du lịch thân thiện”, ông Trần Văn Thanh cho biết.

Dẹp ăn xin: Đừng nên "hô hào" khẩu hiệu suông- Ảnh 2.

Xây dựng Bình Định trở thành điểm du lịch “3 tốt” (an ninh tốt, môi trường và quan hệ cộng đồng tốt) và “3 không” (không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin). Ảnh: DT.

Trong bài phát biểu của mình tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, tại TP Quy Nhơn không chỉ riêng vấn đề lang thang cơ nhở, ăn xin, mà còn tồn tại tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thiếu bãi đậu xe…

Về khách quan, khi tăng trưởng phát triển du lịch thì hạ tầng TP Quy Nhơn đáp ứng không đủ. Nhưng về chủ quan, thì sự vào cuộc của chính quyền TP Quy Nhơn, chưa thực sự quyết liệt.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo rất nhiều rồi. Trách nhiệm là của thành phố, phải vào cuộc cùng với tỉnh, để xử lý dứt điểm”, ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu.

Tỏ ra không hài lòng về tình trạng lang thang cơ nhở, ăn xin gần đây xuất hiện nhiều tại TP Quy Nhơn, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Không thể để tình trạng như thế được. Đây là trách nhiệm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, và chính quyền các cấp”.

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat