Friday, August 2, 2024

Khách quốc tế nhộn nhịp, du lịch tất bật đón khách trong mùa thấp điểm

Khách quốc tế nhộn nhịp, du lịch tất bật đón khách trong mùa thấp điểm- Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Phú Quốc du lịch, nghỉ dưỡng – Ảnh: CHÍ CÔNG

Sảnh Sheraton Saigon Grand Opera Hotel bận rộn trong ngày giữa tuần. Khu vực làm thủ tục nhận khách chủ yếu là khách quốc tế doanh nhân, khách lẻ. Vào ngày cuối tuần, tình hình còn đông hơn khi có các đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội họp).

Nhiều thị trường tăng 2 – 3 lần

Ông Julian Wong, tổng giám đốc Sheraton Saigon Grand Opera Hotel, cho biết 7 tháng đầu năm 2024 khách đến có xu hướng chung là tăng. “Tăng trưởng đáng kể từ dòng khách doanh nhân, khách đoàn MICE, có lẽ vì Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh. Sự trỗi dậy của dòng khách MICE cho thấy Việt Nam đang thực sự cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực”, ông Wong nhận xét.

Theo một số khách sạn 3-4 sao trên địa bàn, công suất phòng trong quý 2 có giảm nhẹ so với quý trước, đạt khoảng 65-75%, nhưng cũng là tín hiệu tích cực trong mùa thấp điểm. Trong đó chủ yếu là nhóm khách cá nhân, tự túc đến từ Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, giám đốc ban tiếp thị tại Vietravel, cho biết hãng ghi nhận tình hình tăng trưởng tích cực. Tỉ lệ phục hồi của các thị trường trọng điểm như Ấn Độ và Đông Nam Á cao gấp 1,8 – 3 lần so với năm 2023.

Tỉ lệ phục hồi của nhóm du khách thuộc các thị trường xa như Âu – Úc – Mỹ – Phi khá tích cực, trung bình đạt đến 97%. Việc các hãng hàng không tăng cường các chuyến bay quốc tế, khôi phục nhiều đường bay đã giúp việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch quốc tế.

“Một tác động không nhỏ là các chính sách hỗ trợ và khuyến khích du lịch quốc tế đã được triển khai, bao gồm việc miễn thị thực cho một số quốc gia, cải tiến quy trình nhập cảnh, tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Những nỗ lực này đã thu hút được sự quan tâm của du khách từ các thị trường xa”, bà Khanh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty du lịch Lửa Việt, cũng cho biết thị trường khách Âu dành sự quan tâm khá nhiều cho thị trường Việt Nam. “Chỉ vừa bắt đầu khai thác dòng khách này nhưng kết quả rất khả quan. Để tiếp tục hút dòng khách này, doanh nghiệp phải tìm kiếm những điểm đến mới, đem đến trải nghiệm khác biệt và dự kiến sẽ khai thác các điểm ở Tây Bắc”, ông Mỹ cho biết.

Vẫn phải tìm kiếm sản phẩm khác biệt

Theo TS Dương Trung Quốc, dù không phải người làm chuyên môn sâu, nhưng với du lịch để thu hút khách thì doanh nghiệp phải tìm kiếm được sự khác biệt, đặc sắc để đem lại những trải nghiệm thú vị.

“Vừa rồi TP.HCM có Lễ hội sông nước gây tiếng vang, du khách khắp nơi đều hỏi về sự kiện. Nhưng cần nhìn nhận lễ hội không chỉ đánh thức được dòng sông mà còn kể lại được câu chuyện TP.HCM là thành phố cảng đầu tiên của Đông Nam Á. Chúng ta không chỉ khôi phục truyện kể về một dòng sông mà diện mạo của một thành phố cảng” – ông Quốc nói.

Khách tăng cao nhưng các doanh nghiệp lữ hành đánh giá vẫn có những hạn chế như công tác bảo tồn danh lam thắng cảnh chưa tốt, nạn chặt chém, xả rác bừa bãi, nội đô vẫn bị quá tải dịch vụ, hạ tầng giao thông.

Bà Vân Khanh cho rằng những tháng cuối năm luôn là thời điểm mà nhiều du khách quốc tế có xu hướng đến Việt Nam để tận hưởng kỳ nghỉ và trải nghiệm các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, khí hậu dễ chịu của mùa thu và mùa đông tại Việt Nam cũng được nhiều du khách quốc tế yêu thích.

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa các trải nghiệm của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình dịch vụ cũng là điều kiện tiên quyết trong kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đẩy mạnh nhiều chiến dịch marketing và truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Nghiên cứu về dữ liệu du lịch, ông Phước Đặng, CEO Outbox Company, cho rằng mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến trong những tháng cuối năm, cùng với hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nhiều thị trường trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo đột phá giúp ngành du lịch Việt Nam sớm đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

Nhộn nhịp khách quốc tế đến Phú Quốc

Ngày 2-8, ông Nikholas Bauer – tổng quản lý Radisson Blu Resort Phú Quốc – thông tin dù chưa đến mùa du lịch của khách quốc tế nhưng hiện nay khách quốc tế đến Phú Quốc đã khá nhiều, công suất phòng của khách sạn ước đạt khoảng 50%. Đây cũng là một tín hiệu vui cho ngành du lịch Phú Quốc.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho biết hiện mỗi ngày có 37 chuyến bay đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến đảo Phú Quốc vui chơi, nghỉ dưỡng. Khách du lịch quốc tế chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan… 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hành khách qua sân bay quốc tế Phú Quốc ước đạt 1.905.182 lượt; khách quốc tế tăng 247% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Hà Tuấn Minh – giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Việt Nam ở Phú Quốc (Công ty Winner) – thông tin thời gian qua Phú Quốc đã trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch quốc tế gồm: Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và đặc biệt nhiều khách du lịch Đài Loan lựa chọn Phú Quốc là điểm đến du lịch.

“Trước đây khách Đài Loan ít đến Phú Quốc. Đầu năm 2024 đến nay, thị trường khách này đến nhiều hơn với khoảng 35-40 chuyến bay/tuần đưa khách Đài Loan đến Phú Quốc. Dự đoán số lượng khách này còn tăng trong dịp cuối năm 2024 và bước sang năm 2025”, ông Minh nói.

Ông Bùi Quốc Thái – giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang – cho biết đầu năm 2024 đến nay, Kiên Giang ước đón hơn 6,6 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế gần 600.000 lượt, gồm khách Hàn Quốc hơn 200.000 lượt, khách Nga hơn 20.000 lượt, khách Đài Loan và Trung Quốc hơn 120.000 lượt và khách Mỹ hơn 22.000 lượt…

Ông Thái cho biết thêm khách quốc tế hiện đang nhộn nhịp đến Phú Quốc và dự kiến lượng khách này sẽ đến đông hơn vào dịp cuối năm 2024.

Sở đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin du lịch chuyển đổi số và đề xuất nội dung hợp tác quốc tế với một số địa phương như Chanthaburi, Phuket (Thái Lan) và đề nghị Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc (Tập đoàn Sun Group) hỗ trợ phim ngắn quảng bá du lịch Phú Quốc đến với du khách quốc tế.

Chi tiêu cho du lịch tăng cao

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là doanh thu du lịch lữ hành tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 65,7%.

Dịch vụ lữ hành đã có sự tăng trưởng ấn tượng, đạt 4.424 tỉ đồng trong tháng 7 và 23.853 tỉ đồng trong 7 tháng, tương ứng với mức tăng trưởng 62,4% và 65,7% so với cùng kỳ. Thành công này một phần nhờ các chương trình kích cầu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

10 khách Ấn tới Việt Nam có 6 người đến Đà Nẵng

Khách quốc tế nhộn nhịp, du lịch tất bật đón khách trong mùa thấp điểm- Ảnh 2.

Một đám cưới của cặp đôi Ấn Độ tổ chức ở Đà Nẵng – Ảnh: T.DINH

Chỉ trong thời gian ngắn Đà Nẵng tìm cách đa dạng hóa nguồn khách quốc tế sau dịch, thị trường Ấn Độ đã vươn lên top 4 thị trường khách quốc tế ở địa phương này. Nhiều doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ cho biết Đà Nẵng đang là “ngôi sao sáng” được du khách thị trường tỉ dân lựa chọn khi đi du lịch nước ngoài.

Lượng khách Ấn Độ đến Đà Nẵng đạt 60% tổng lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam. Trong những tháng đầu năm lượng khách Ấn Độ đến Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng ổn định với các đường bay có tỉ lệ lấp đầy cao.

Nếu như năm 2022, khách tăng trưởng gần 2,5 lần so với năm 2019 thì năm 2023 lượng khách tăng gấp đôi đạt hơn 87.000 lượt, tăng hơn 5 lần so với năm 2019. Trong năm 2023, thị trường Ấn Độ đến Đà Nẵng xếp vị trí thứ 4 trong top 10 thị trường khách quốc tế, đứng sau Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Theo ông Vipin Nain – giám đốc Công ty lữ hành Nain Vacations, sau thời gian dài kiên trì xúc tiến Đà Nẵng đã giành được sự quan tâm đặc biệt của thị trường Ấn Độ. Ông Nain cho biết với người Ấn Độ, các nghi lễ truyền thống, nhất là đám cưới, rất được quan tâm, người dân rất đầu tư cho sự kiện này.

Vì thế khi Đà Nẵng chú trọng phát triển du lịch cưới, du lịch MICE đã thu hút được rất nhiều đám cưới của khách Ấn đến đây. Từ thị trường khách “chịu chi” này lan tỏa sang các phân khúc thị trường khách khác.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, với thị trường Ấn Độ và Hồi giáo, Đà Nẵng có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hướng đến du lịch MICE, golf và cưới.

“Khi chuyển dịch sang dòng khách này Đà Nẵng cũng có sự chuẩn bị đặc biệt về vấn đề ẩm thực và thực hành tôn giáo. Các nhà hàng hiện đủ sức cung cấp các món ăn theo chuẩn văn hóa và tôn giáo đa dạng của Ấn Độ” – bà Hoài An cho biết.

Một trong những lợi thế khác mà Đà Nẵng đang sở hữu chính là các đường bay thẳng kết nối giữa sân bay Đà Nẵng đến các khu vực đô thị trung tâm. Hiện chỉ riêng hãng Vietjet đã có 5 đường bay nối các thành phố của Ấn Độ có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng gồm New Delhi, Mumbai, Kochi, Tiruchirappalli và Ahmedabad. Hãng Vietnam Airlines có 2 đường bay từ Đà Nẵng đi New Delhi và Mumbai.

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat