Lăng Dục Đức (An lăng) nằm trên đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.
Đây là nơi yên nghỉ của 3 thế hệ làm vua triều Nguyễn, gồm: Dục Đức (cha, 1852-1883), Thành Thái (con, 1879-1954) và Duy Tân (cháu, 1900-1945). Khu di tích này có diện tích khoảng 6ha, gồm 2 công trình chính là lăng mộ vua Dục Đức cùng hoàng hậu (bên phải) và điện Long Ân (bên trái).
Mộ vua Thành Thái và Duy Tân được bao quanh bởi khu tập thể cũ phía sau điện Long Ân.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn.
Khu lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Muốn vào lăng phải đi qua hai cổng tam quan, có mái giả bằng xi măng.
Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình, thay thế cho nhà bia. Bên trong nhà không có bi ký, thay vào đó là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án, hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà vua. Hai bên trái, phải là mộ vua Dục Đức và Hoàng hậu Từ Minh.
Điện Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm, là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế.
Cả khu lăng mộ và điện Long An đều lấy cồn Phước Quả làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm.
Nội thất bên trong điện Long Ân sau trùng tu, hiện có 3 án thờ bài vị của các vua: Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).
An lăng được xây dựng vào năm 1899 dưới thời vua Thành Thái để thờ phụng vua cha là Dục Đức.
Trải qua thời gian, công trình xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, phục hồi, tu bổ di tích này gồm các hạng mục khu tẩm điện, khu lăng mộ với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Đến nay dự án cơ bản hoàn thành các hạng mục như điện Long Ân, khu lăng mộ vua Dục Đức và đón du khách tham quan từ đầu tháng 8.
Khu lăng mộ vua Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải) có diện tích khá khiêm tốn, phần mộ cũng nhỏ hơn rất nhiều so với các vị vua triều Nguyễn khác.
Vua Thành Thái trị vì 18 năm (1889-1907), là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Năm 1954, cựu hoàng Thành Thái qua đời, thi hài ông được đưa về an táng trong khu An lăng, bài vị thờ tại điện Long Ân.
Vua Duy Tân kế nghiệp cha, trị vì trong 9 năm (1907-1916), trở thành vị vua thứ 11 của triều Nguyễn. Năm 1987, hài cốt ông được cải táng cạnh mộ vua Thành Thái, bài vị cũng thờ trong điện Long Ân.
Trong khu vực An lăng còn có 39 lăng mộ các ông hoàng, bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ (Nguyễn Phúc Tộc).
Những điểm nhấn kiến trúc, trang trí độc đáo bên trong lăng vua Dục Đức.
Năm 1997, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận An lăng là di tích cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật.
Sau trùng tu, lăng Dục Đức khoác lên mình một màu áo tươi mới hơn, khác xa hình ảnh xập xệ, xuống cấp vài năm trước, qua đó kỳ vọng đón nhiều du khách đến tham quan hơn.
Hiện nay, di tích này mở cửa miễn phí đón khách tham quan.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị đang tiến hành các thủ tục để báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, trình HĐND thông qua phương án thu vé tham quan An lăng.
Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái (SN 1852), lên 2 tuổi, được vua Tự Đức nhận làm con nuôi.
Khi vua Tự Đức qua đời, vị hoàng trưởng tử 32 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu Dục Đức, nhưng chỉ sau 3 ngày thì bị phế (23/7/1883) và qua đời ngày 6/10/1883. Thi hài ông được chôn tại khe cồn Phước Quả, gần chùa Tường Quang.
Tháng 8/1899, vua Thành Thái cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà như tả, hữu phối đường, tả hữu tòng viện dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ.
Năm 1906, Hoàng hậu Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu “song táng”, “càn khôn hiệp đức”.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment