Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục “nóc nhà châu Phi” ~ Công Ty Du Lịch Hà Nội Việt Nam

Friday, October 25, 2024

Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục “nóc nhà châu Phi”

Chuyến đi vượt kỳ vọng

Lê Hồ Uy Di (32 tuổi, TPHCM) hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhiều năm qua. Với cô, đi đó đây vừa là công việc, vừa là niềm đam mê lớn. Sau thời gian đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng miền và nhìn ngắm thế giới muôn màu, cô nhận ra hình thức du lịch mạo hiểm là điều khiến cô cảm thấy phấn khích nhất.

Mới đây, Uy Di có chuyến chinh phục đỉnh Kilimanjaro (Tanzania) – nơi được mệnh danh là “nóc nhà châu Phi” với độ cao 5.895m. Đây là điểm đến được nhiều người yêu khám phá, thích mạo hiểm ao ước trải nghiệm, cũng là nơi cao nhất, xa nhất Uy Di từng đặt chân tới.

Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 1

Uy Di cảm thấy phấn khích trước những chuyến du lịch mạo hiểm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô gái 32 tuổi cho biết bản thân chưa từng nghĩ sẽ sớm có cơ hội đặt chân đến Kilimanjaro, bởi đây là đỉnh núi dành cho những nhà leo núi chuyên nghiệp và ở Việt Nam không có nhiều đơn vị tổ chức tour chinh phục đỉnh núi này.

“Kilimanjaro là đỉnh núi nổi tiếng, thường nằm trong danh sách mong muốn của những nhà leo núi và được mệnh danh là một trong những đỉnh núi cao nhất. May mắn, một người quen của tôi đã tổ chức tour. Tôi nghĩ đây là cơ hội của mình và nhanh chóng nắm bắt”, Uy Di chia sẻ.

Cô nói thêm, một trong những lý do khác khiến cô quyết định tham gia hành trình chinh phục “nóc nhà châu Phi” là muốn thử thách bản thân, xem khả năng của mình đạt đến đâu. Trước đó, cô từng chinh phục Everest Base Camp (điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest) ở độ cao 5.364m.

Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 2
Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 3

Chinh phục đỉnh Kilimanjaro được xem là hành trình dành cho những nhà leo núi chuyên nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chuyến đi mơ ước đến quá bất ngờ, thậm chí thời điểm 2 tuần trước ngày khởi hành, Uy Di mới chắc chắn mình sẽ được đi, nên cảm xúc trong cô khá lạ lẫm.

Cô tất bật sắp xếp công việc cá nhân, không đủ thời gian sắm sửa hay chuẩn bị nhiều đồ dùng cho hành trình lẫn tập luyện thể chất. Quần áo sử dụng cho chuyến đi lần này đều là những món cô đã dùng ở chuyến Everest Base Camp trước đó.

“Trước chuyến đi, tôi không quá hồi hộp hay hào hứng, cho đến khi tôi đặt chân đến cửa khẩu Tanzania. Lúc đó, lòng tôi mới “gợn sóng” vì biết mình đã thật sự đến nơi mà trước giờ mình chưa nghĩ tới.

Vì đã có kinh nghiệm chinh phục độ cao hơn 5.000m ở Everest Base Camp nên tôi nghĩ chuyến đi này sẽ khá ổn với tôi. Tuy nhiên, hành trình này thật sự khó hơn Everest Base Camp rất nhiều lần”, Uy Di nói.

Khoảnh khắc “cận tử” khó quên

Hành trình chinh phục Kilimanjaro của Uy Di, tính cả thời gian di chuyển, quá cảnh ở các nước là 9 ngày 8 đêm. Điều khiến cô gái Việt bất ngờ là nơi đây có nhiệt độ khá thấp. 

Cô nói: “Châu Phi còn lạnh hơn Đà Lạt nữa, ít nhất là tại vùng tôi đặt chân tới vì nơi đó khá cao, càng lên cao thì thời tiết càng khắc nghiệt và khó đoán. Song, nhờ kinh nghiệm từ chuyến đi Everest Base Camp, tôi có thể sớm hòa nhập với cái lạnh và độ loãng của không khí ở trên cao”.

Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 4

Có kinh nghiệm leo núi nên Uy Di sớm thích nghi với không khí loãng và nhiệt độ thấp ở độ cao hơn 3.000m (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ở độ cao trên 3.000m, nếu không thích nghi được thì sức khỏe của người leo núi rất dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, các nhà leo núi luôn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trang bị quần áo để giữ ấm cơ thể, thuốc men cần thiết. Đoàn của Uy Di cũng không ngoại lệ.

Cô nhớ lại, trong ngày thứ 2 của hành trình, cô đã rất hoảng sợ khi chứng kiến tình huống một thành viên của đoàn, chưa có kinh nghiệm lên đến độ cao hơn 3.000m trước đó, bị chóng mặt, hoa mắt, khó thở…

“Lúc đó, nhiều người vẫn nghĩ chị ấy chỉ bị mệt, vì chị đến điểm tập kết ăn trưa trễ hơn mọi người khoảng 30 phút. Tuy nhiên, các hướng dẫn viên đã có kinh nghiệm, khi gặp trường hợp này họ nhanh chóng kiểm tra, đo nồng độ oxy trong máu của chị ấy. 

Phát hiện nồng độ oxy trong máu của chị giảm còn dưới 50%, hướng dẫn viên đã nhanh chóng cho chị ấy sử dụng bình oxy và bắt buộc chị ấy kết thúc hành trình ngay lập tức”, Uy Di nhớ lại.

Khi chứng kiến tình huống đó, cô mới ý thức được cung đường mình đang chinh phục thật sự nguy hiểm. Thậm chí, lúc đó cô còn lo sợ với sự chuẩn bị sơ sài về thể lực trước chuyến đi như thế thì bản thân sẽ là người tiếp theo gặp sự cố tương tự.

Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 5

Trong hành trình chinh phục Kilimanjaro, Uy Di phải di chuyển liên tục không ăn ngủ gần 20 tiếng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau khi lên đến điểm cuối của hành trình chinh phục “nóc nhà châu Phi”, Uy Di quay trở về với gần 20 tiếng di chuyển liên tục không ăn, không ngủ từ tối đêm trước.

Nhớ lại khoảnh khắc đó, cô nàng 9X vẫn chưa hết hồi hộp. Ở độ cao khoảng 4.700m, sức khỏe của cô “lên tiếng” với nồng độ oxy trong máu giảm còn 56%, cơ thể mệt lả và đôi chân gần như kiệt sức.

“Lúc đó, tôi cảm giác như mình cận kề với “cửa tử”, cận kề với nguy hiểm và cảm thấy nếu còn ở trên độ cao đó lâu hơn thì điều không may sẽ xảy ra với tôi. Khi thấy tôi không ổn, hướng dẫn viên lập tức yêu cầu tôi hạ trại và quay về”, Uy Di kể.

“Quan trọng là đi cùng ai…”

Hành trình khám phá và chinh phục Kilimanjaro đã cho Uy Di được chiêm ngưỡng cảnh quan hoang dã, phong phú ở châu Phi. Cô có dịp ngắm nhìn thảo nguyên, đồng cỏ, rừng nhiệt đới và nhiều loại thực vật chỉ có ở vùng này.

Uy Di cũng chia sẻ, chi phí cô bỏ ra cho hành trình chinh phục “nóc nhà châu Phi” lần này gần 100 triệu đồng, gồm vé máy bay, chi phí tour… và các khoản phát sinh khác.

Điều đáng tiếc nhất với Uy Di trong chuyến đi là cô đã chưa trang bị được thể lực tốt nhất có thể. Dù vậy, cô cho rằng ở mỗi hành trình, sẽ có những tình huống giúp cô có thêm kinh nghiệm, sự hiểu biết. Không chỉ vậy, khi hoàn thành một hành trình chinh phục, cô lại thu về cho mình kiến thức và gia tăng sự tự tin.

Hành trình khám phá Kilimanjaro giúp Uy Di chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã và đa dạng thực vật ở châu Phi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô cũng tâm sự, khi đã muốn thực hiện một chuyến đi mang tính khám phá, chinh phục, điều quan trọng nhất mà mỗi người cần xác định chính là sự sẵn sàng. 

“Nếu như có đam mê, hãy quyết tâm theo đuổi và thực hiện đam mê đó. Song, bạn phải nhớ chuẩn bị kỹ nhất cho hành trình của mình để đảm bảo được sự an toàn của bản thân. Nếu còn cảm thấy chần chừ, đắn đo và e ngại một điều gì đó, chúng ta luôn có thể tìm hiểu thật kỹ trước khi bắt đầu chứ không có lý do gì để vội vàng”, cô chia sẻ.

Uy Di cũng nói thêm, một trong những điều khiến cô xúc động trong chuyến đi này chính là có thêm những người bạn. Cô đã thực hiện hành trình đặc biệt này cùng một nhóm là những cá nhân hoạt động trong một tổ chức giáo dục nổi tiếng tại Việt Nam.

Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 9
Cô gái Việt kể lại phút cận kề sinh tử khi chinh phục nóc nhà châu Phi - 10

Chuyến đi giúp Uy Di có cơ hội học hỏi, biết thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ban đầu, khi nhận thông tin về những người sẽ cùng mình thực hiện hành trình, Uy Di đã chuẩn bị tâm lý… rơi vào lạc lõng.

Cô lý giải, các cô chú, anh chị trong đoàn giữ các chức vụ chủ tịch, hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa… với kinh nghiệm và trình độ cao hơn cô rất nhiều. Vì thế, cô có chút e ngại rằng giữa cô và mọi người sẽ có khoảng cách.

“Thế nhưng, mọi người rất dễ thương, cởi mở và khiến tôi cảm thấy thoải mái. Chúng tôi không hoạt động cùng lĩnh vực, khác nhau về tuổi tác, nhưng đam mê khám phá, chinh phục khiến chúng tôi gần nhau hơn. Điều này giúp tôi thấm thía một điều rằng đi đâu không quan trọng mà quan trọng là đi cùng ai”, Uy Di bộc bạch.

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat