Thursday, October 24, 2024

Di tích Chăm Pa hơn 1.000 năm tuổi ở Huế bị lãng quên?

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (đơn vị trực tiếp quản lý di tích Thành Lồi), cho biết dự án tu bổ, bảo tồn di tích khảo cổ học Thành Lồi đã được đưa vào danh mục thực hiện trong giai đoạn 2021-2022, từ nguồn vốn đầu tư công, theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh này.

Năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương tu bổ, bảo tồn di tích khảo cổ học Thành Lồi.

Di tích Chăm Pa hơn 1.000 năm tuổi ở Huế bị lãng quên? - 1

Vị trí khoanh vùng 1 (nhiều cây ở giữa) bảo vệ di tích khảo cổ học quốc gia Thành Lồi (Ảnh: Vi Thảo).

Trên cơ sở đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công trình. Các hạng mục của dự án, gồm: Phương án hạn chế các hộ dân có hành vi xâm lấn khu vực đã khoanh vùng, bảo tồn đoạn tường thành đã được chọn trong khu vực bảo vệ I, đồng thời chỉnh trang khu vực bảo vệ II; xây dựng lối tiếp cận, đường dạo để tôn tạo cảnh quan di tích, giới thiệu đến du khách về một địa điểm có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.

Tuy nhiên đến nay dự án chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt và bố trí nguồn vốn để triển khai.

Theo các nhà nghiên cứu, Thành Lồi được xây dựng vào khoảng thế kỷ V-VII. Đây là thành lũy quân sự của người Chăm Pa nằm trên đồi Long Thọ (ngày nay thuộc địa phận 3 phường Thủy Biều, Thủy Xuân, Phường Đúc của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thành có dạng hình vuông, với cấu trúc khép kín, do người Chăm Pa xây dựng có quy mô tương đối lớn, đào đắp, xây dựng kiên cố. Thành đã lợi dụng triệt để địa thế tự nhiên sẵn có là sông Hương làm hào chắn, tạo nên một công trình phòng thủ chắc chắn.

Thành Lồi được chia thành 3 tầng: Tầng 1 từ bề mặt của thành xuống 1,8-2m bằng đất nện chặt; tầng 2 dày 0,5-1m được đắp bằng gạch, đá cuội; tầng 3 dày 1,8-2m được đắp bằng đất nền chặt. 

Di tích Chăm Pa hơn 1.000 năm tuổi ở Huế bị lãng quên? - 2

Biển thông tin địa điểm quy hoạch khảo cổ Thành Lồi cắm bên trong vùng 1 bảo vệ di tích (Ảnh: Vi Thảo).

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã đề cập đến Thành Lồi là chỗ ở của vua Chiêm Thành, gọi là thành Phật Thệ.

Năm 1989, đoàn nghiên cứu do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu, khảo cổ Thành Lồi đã nhận xét di tích này có đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước, không hề thua kém thành Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Tháng 12/2014, di tích Thành Lồi được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia, với phạm vi khoanh vùng bảo vệ trên 18.000m2, trong đó vùng 1 bảo vệ di tích có diện tích hơn 12.000m2, khu vực 2 hơn 6.000m2.

Năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được giao trực tiếp quản lý di tích khảo cổ học Thành Lồi.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm hoặc có những tác động làm biến dạng hiện trạng di tích Thành Lồi.

Di tích Chăm Pa hơn 1.000 năm tuổi ở Huế bị lãng quên? - 3

Trong không gian Thành Lồi cũ có 2 di tích quan trọng của triều Nguyễn là điện Voi Ré và Hổ Quyền (Ảnh: Vi Thảo).

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã cắm mốc khoanh vùng các khu vực bảo vệ; cắm biển giới thiệu di tích và biển quy hoạch địa điểm khảo cổ học, xây dựng tường, hàng rào bao quanh khu vực vùng 1 bảo vệ di tích.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Dân trí, tại di tích Thành Lồi, cây cối rậm rạp. Trong không gian di tích, người dân xâm lấn làm nhà ở, sản xuất, chôn cất người chết, chỉ có đoạn thành phía nam (khu vực vùng 1 bảo vệ di tích) còn lưu dấu tích tương đối rõ ràng. 

Hiện nay, trong khu vực 1 và 2 bảo vệ di tích tồn tại một số hộ dân canh tác, gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Trong khi đó, một số người trẻ sống quanh khu vực di tích khi được hỏi còn không biết đến sự tồn tại của Thành Lồi. 

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat