Ngày 17/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm rõ những khó khăn và vướng mắc trong việc phát triển loại hình du lịch này.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh này đã có 33 cơ sở được công nhận là “Điểm du lịch canh nông”. Lượng du khách ghé thăm và trải nghiệm tại các điểm du lịch từ năm 2018 đến nay đạt khoảng 7 triệu lượt.
Mô hình du lịch canh nông mang lại nhiều lợi ích, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Việc triển khai xây dựng các điểm du lịch gặp khó khăn do vướng vào Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Du lịch. Cụ thể, các mô hình du lịch canh nông là đất canh tác nông nghiệp, nên khi tổ chức xây dựng, chủ điểm du lịch canh nông gặp khó khăn với các tiêu chí về quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi đất.
Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, chia sẻ: “Du lịch canh nông là thế mạnh của Đà Lạt, nhưng khi xây dựng công trình kiên cố sẽ vi phạm về trật tự xây dựng. Nếu yêu cầu các điểm du lịch canh nông chấp hành quy định về đất đai, xây dựng thì hầu hết đều vi phạm”.
Bà Trần Thị Vũ Loan cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng có định hướng và sớm tháo gỡ khó khăn cho du lịch canh nông.
Tại cuộc làm việc, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết du lịch canh nông có sự hấp dẫn và là lĩnh vực nhiều tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng.
Đối với những khó khăn và vướng mắc nêu trên, ông Phạm S đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định, tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng về phương án sử dụng đất đa mục đích. Đồng thời, ông cũng giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng bộ tiêu chí về du lịch canh nông theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment