Sự thật “lời nguyền chia tay” của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng ~ Công Ty Du Lịch Hà Nội Việt Nam

Saturday, October 19, 2024

Sự thật “lời nguyền chia tay” của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng

Nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia

Chùa Thiên Mụ (hay Linh Mụ) nằm trên núi Hà Khê, bờ Bắc sông Hương (nay thuộc địa giới hành chính phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ngôi cổ tự hơn 420 năm tuổi này là một trong những công trình kiến trúc quan trọng nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1993.

Chùa được xây dựng năm 1601, sau khi chúa Nguyễn Hoàng dạo xem hình thế núi sông vùng Thuận Hóa, tìm địa điểm “tụ khí, bền long mạch”. Đây là ngôi chùa đặc biệt quan trọng đối với dòng họ Nguyễn và lịch sử phát triển của đô thị Huế cũng như xứ Đàng Trong.

Sự thật lời nguyền chia tay của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng - 1

Chùa Thiên Mụ là 1 trong 20 thắng cảnh đẹp nhất xứ Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Trong chùa hiện lưu giữ 2 Bảo vật quốc gia là quả chuông Đại Hồng Chung và tấm bia đá khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu, bên cạnh đó còn nhiều hiện vật, tư liệu quý khác.

Theo các tư liệu lịch sử, từ khi được xây dựng đến nay, chùa Thiên Mụ đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghiêm, huy hoàng, tráng lệ, được liệt vào danh sách 20 thắng cảnh đẹp nhất của Thừa Thiên Huế.

Sự thật lời nguyền chia tay của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng - 2

Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ (Ảnh: Vi Thảo).

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, chùa Thiên Mụ tích hợp nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian, thờ nữ thần, Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo, đặc biệt là chức năng từ đường của họ Nguyễn. Ngôi cổ tự là nơi thu hút đông đảo du khách thập phương khi đến Huế du lịch, hành hương.

Những câu chuyện huyền bí

Không chỉ là ngôi chùa cổ, kiến trúc đồ sộ, xung quanh Thiên Mụ tự còn tồn tại nhiều câu chuyện huyền bí, như điển tích người phụ nữ trẻ tuổi có mái tóc bạc trắng xuất hiện, báo với người dân vùng núi Hà Khê về việc có vị chân chúa tới lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh.

Điển tích này đã được ghi vào nhiều cổ thư, sách sử để nói về sự hình thành của ngôi chùa, giải thích cho cái tên Thiên Mụ tự.

Sự thật lời nguyền chia tay của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng - 3

Bia đá khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự” được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013 (Ảnh: Vi Thảo).

Ly kỳ không kém là “lời nguyền chia tay” bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian không có thật, đã tồn tại từ lâu đời về một đôi trai gái yêu nhau nhưng không được gia đình tác hợp.

Hai người rủ nhau trầm xuống dòng sông Hương trước chùa Thiên Mụ tự vẫn, để được bên người mình yêu thương mãi mãi.

Trớ trêu là cô gái lại dạt vào bờ và được người dân cứu sống, sau đó thuận ý cha mẹ lấy chồng “môn đăng hộ đối”. Linh hồn chàng trai oán hận, nhập vào Thiên Mụ và nguyền sẽ khiến các đôi yêu nhau phải chia tay khi cùng nhau đến ngôi chùa này.

Theo thời gian, câu chuyện truyền miệng được thêu dệt thêm các tình tiết ly kỳ, khiến nhiều người lầm tưởng đó là lời nguyền có thật.

Một nhân viên làm công tác quản lý bến bãi đỗ xe, thuyền du lịch lâu năm tại khu vực chùa Thiên Mụ cho biết, xung quanh chùa có nhiều người biết đến câu chuyện này nhưng đa số đều nghĩ đây chỉ là câu chuyện dân gian, không có thật. Trong quá trình làm việc tại đây, ông thấy nhiều cặp đôi đến chùa tham quan, vãn cảnh, chụp ảnh kỷ niệm.

Trò chuyện với chúng tôi, một sư thầy tại chùa Thiên Mụ, nhận định có thể do trước đây không gian chùa có nhiều cây cối rậm rạp, ít người qua lại, các cặp đôi yêu nhau thường lợi dụng nơi thanh vắng để làm những chuyện không hay.

Vì Thiên Mụ là địa chỉ linh thiêng, nơi gìn giữ “long mạch” của một triều đại nên người dân sống quanh đó nghĩ ra câu chuyện lời nguyền để các cặp đôi tránh xa, không làm những việc ô uế nơi cửa Phật, giữ sự thanh tịnh cho chùa.

Ngày nay, trước cổng Tam Quan chùa Thiên Mụ cũng đã có bảng thông báo về việc người dân, du khách cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, tránh làm những việc không hay khi vào khu vực bên trong, bảo vệ sự tôn nghiêm của chùa.

Sự thật lời nguyền chia tay của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng - 4

Thiên Mụ là địa danh du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách, Phật tử đến tham quan, lễ chùa (Ảnh: Vi Thảo).

Sư thầy kể: “Cách đây vài năm, có một chị gái lớn tuổi từ miền Bắc vào tham quan, dâng hương lễ Phật. Chị ấy khấn rất to là đến nay bản thân đã có đầy đủ công danh sự nghiệp, tiền tài nhưng tình duyên lận đận, chưa mảnh tình vắt vai.

Các thầy nghe thấy mới bảo để lại tên tuổi để cầu nguyện cho. Bẵng đi một thời gian, nữ du khách này dẫn theo ông chồng lớn hơn 2 tuổi mới cưới đến lễ chùa. Sau này cả 2 vợ chồng năng đến chùa cầu nguyện và thấy họ vẫn hạnh phúc”.

Theo vị sư thầy, trong thời gian các cặp đôi tìm hiểu, yêu đương, kể cả khi đã thành vợ chồng, sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, hay có khúc mắc đã tồn tại trước đó. Sau khi đường ai nấy đi, họ vin vào việc đến chùa gặp phải lời nguyền chia tay để làm cớ che đi sự thật mà bản thân không muốn thừa nhận.

“Chùa đã nhiều lần tổ chức lễ hằng thuận cho các đôi trai gái yêu nhau. Trước khi tổ chức đám cưới, nhiều bạn trẻ muốn nhận được những lời chúc phúc tốt đẹp, nghe các thầy khuyên răn đạo làm vợ, làm chồng; đồng thời để cầu sự bình an, viên mãn nên đã liên hệ nhà chùa để xin được làm lễ hằng thuận.

Vì đây là chùa di sản, nơi tham quan du lịch nên lễ hằng thuận diễn ra rất đơn giản, chỉ thực hiện các lễ nghi truyền thống”, sư thầy chia sẻ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh (thành phố Huế) cho rằng “lời nguyền chia tay” ở chùa Thiên Mụ chỉ là câu chuyện dân gian đồn thổi, không có thật.

Sự thật lời nguyền chia tay của các cặp đôi ở ngôi cổ tự linh thiêng - 5

Không gian trước chùa Thiên Mụ được cải tạo, nâng cấp để thu hút khách du lịch đến tham quan (Ảnh: Vi Thảo).

Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, cửa Phật là nơi trang nghiêm, thế giới của sự thuần khiết, thanh tịnh. Người yêu nhau thật lòng khi đến chùa thành tâm cầu nguyện, không thực hiện các hành vi sai trái, tình cảm càng thêm gắn kết hơn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết bình quân mỗi năm chùa Thiên Mụ đón 1-1,2 triệu du khách đến tham quan. Khách đến tham quan chùa có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy bằng thuyền rồng du lịch trên sông Hương.

Trong những năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã đầu tư nguồn lực để cải tạo hạ tầng, làm mới tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương, bến thuyền, tạo điểm nhấn bên dưới chân chùa Thiên Mụ, thu hút đông đảo giới trẻ đến check-in.

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Trang Rao Vat