Tại hội nghị hợp tác, xúc tiến, quảng bá phát triển sản phẩm du lịch của ba địa phương Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Thuận, ông Trần Đăng Ninh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai – mong muốn ngành du lịch Ninh Thuận tăng cường quảng bá, giới thiệu thêm các sản phẩm đặc trưng địa phương tại các điểm đến, nơi mà du khách hay dừng chân.
Ông Ninh cho biết thêm Đồng Nai chưa phải là địa phương mạnh về du lịch nhưng là nơi dồi dào về nguồn khách của các tỉnh bạn. Bởi nơi đây là tỉnh công nghiệp lớn, đông công nhân và chuyên gia. Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu thụ hưởng du lịch của họ cũng tăng lên.
Theo tỉnh Ninh Thuận, địa phương nằm ở duyên hải vùng Nam Trung Bộ, có đầy đủ nắng gió, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp từ đồng bằng, đồi núi đến biển cả.
Ninh Thuận có đường bờ biển dài 100km, với những dãy núi nhô ra tạo nên các vũng vịnh đẹp như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Cà Ná… Đây là lợi thế để tỉnh phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng, sinh thái.
Ở Ninh Thuận còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc như Lễ hội Katê, làng nghề gốm Bàu Trúc của người Chăm, thủ phủ nho của cả nước.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, cùng hỗ trợ phát huy những lợi thế trên, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận ký kết với các tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai.
Còn theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc – chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh, nhắc đến địa phương mình thì ai cũng nghĩ đến du lịch tâm linh bởi có tòa thánh Cao đài, có núi Bà Đen.
Ông Quốc cho biết Tây Ninh hiện có nhiều điều kiện để phát triển sản phẩm khác như du lịch vùng ven biên giới, sinh thái. Tây Ninh có đường biên giới dài 240km, đây là điểm khác biệt mà ngành du lịch địa phương hướng tới.
Đường biên giới của Tây Ninh đi xuyên Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam và liền kề với căn cứ Trung ương Cục Miền Nam.
Hiện Tây Ninh có 3 cửa khẩu quốc tế, sắp tới có thể hình thành thêm cửa khẩu quốc tế Chàng Riệc.
“Một tỉnh mà có tới 4 cửa khẩu quốc tế thì không dừng lại ở du lịch vùng nữa, mà chúng tôi đang hình thế phát triển du lịch quốc gia. Trong đó chúng tôi hướng tới nhiều nước. Khi khách đến Thái Lan sẽ qua Campuchia rồi đến Việt Nam. Và Tây Ninh sẽ là cửa ngõ đầu tiên để đón khách quốc tế”, ông Quốc kỳ vọng về ngành du lịch địa phương.
Cũng theo ông Quốc, việc ba địa phương Tây Ninh – Đồng Nai – Ninh Thuận phát triển trục du lịch này sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, đa dạng sản phẩm, tựa như “rừng với biển”. Trong đó, Đồng Nai sẽ là điểm dừng nghỉ giữa 2 tỉnh còn lại.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi ký kết, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa mong muốn các hiệp hội hợp tác đi vào thực chất hơn, cụ thể hóa bằng những sản phẩm mới.
Dịch vụ – du lịch tỉnh Tây Ninh phát triển hơn năm ngoái
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 8.180 tỉ đồng, giảm 0,25% so với tháng trước, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Giá hàng hóa cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo. Lũy kế 10 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 78.306 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 2.201 tỉ đồng, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ. Vận tải hành khách đạt 2.520.000 khách, luân chuyển đạt 159.958 ngàn lượt. Vận chuyển hàng hóa đạt 1.706.000 tấn và luân chuyển hàng hóa đạt 129.985.000 tấn.
Đồng thời, Tây Ninh ban hành kế hoạch tham gia chương trình xúc tiến du lịch Tây Ninh tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB Asia Singapore. Khách tham quan khu, điểm du lịch đạt 260.000 lượt, tăng 20,4%, doanh thu du lịch đạt 148 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 4,7 triệu lượt, tăng 5,9% so với năm ngoái. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.492 tỉ đồng, tăng 41%.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment