Lời tòa soạn: TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng trở thành Thành phố của sự kiện và lễ hội, điểm đến hấp dẫn hàng đầu cả nước và khu vực. Sự kiện nối tiếp sự kiện, lễ hội nối tiếp lễ hội trong năm 2024 vừa qua là nỗ lực chung của toàn ngành du lịch thành phố và các bên liên quan.
Các chuyên gia và doanh nghiệp ủng hộ việc khai thác, sáng tạo các sự kiện – lễ hội tại TP.HCM hướng đến phục vụ người dân và du khách, tạo điểm nhấn riêng, thể hiện bản sắc độc đáo. Đây cũng là xu thế đầy triển vọng trên thế giới, là phân khúc phát triển nhanh trên thị trường du lịch toàn cầu. Các sự kiện – lễ hội trong du lịch không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế, mà còn kiến tạo hình ảnh, thương hiệu điểm đến, phát triển đô thị, gắn kết cộng đồng…
Với TP.HCM, các sự kiện – lễ hội có thể là động lực tăng trưởng, cộng hưởng và thúc đẩy các sản phẩm du lịch chủ lực, đặc trưng, đặc thù trên địa bàn cùng phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong tương lai.
Bài 1: Sự kiện nối tiếp sự kiện, hút khách quanh năm
TP.HCM đang bước vào mùa lễ hội cuối năm. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã tổ chức thành công loạt sự kiện – lễ hội. Sự kiện nối tiếp sự kiện, lễ hội nối tiếp lễ hội tạo nên hình ảnh một TP.HCM sống động và hấp dẫn.
Sự kiện, lễ hội nối tiếp nhau
“Cuối năm nay sẽ có một lễ hội ẩm thực cực kỳ hoành tráng, hội tụ hết tất cả những món ngon, những nhà hàng rất lâu đời nổi tiếng ở quận 5 mình nè! Nói mà nôn ghê luôn á!”, TikToker Quang Mỹ Thiên hào hứng thông báo trên kênh TikTok Chợ Lớn Downtown hơn 336.000 người theo dõi của cô.
Đúng như Mỹ Thiên chia sẻ, những ngày này, quận 5 đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội Ẩm thực Chợ Lớn Food Story với chủ đề “Mỹ vị Mì & Bánh” sẽ diễn ra từ ngày 6-8/12. Lễ hội có quy mô 50 gian hàng, tập trung các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn quận, giới thiệu đến người dân và du khách những món ngon, độc đáo mang đậm phong cách ẩm thực người Hoa khu Chợ Lớn như hủ tíu mì, sủi cảo, điểm tâm, chè, nước mát…
Lễ hội đang rất được mong chờ, bởi ẩm thực người Hoa khu Chợ Lớn từ lâu luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Năm ngoái, ngay lần đầu tiên tổ chức, dù quy mô nhỏ hơn nhưng lễ hội đã thu hút hơn 25.000 lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến, năm nay hứa hẹn sẽ còn đông khách hơn.
Bà Đào Thị Ánh Tuyết – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận 5, cho biết ý tưởng Lễ hội Ẩm thực Chợ Lớn Food Story nhằm gửi gắm câu chuyện về văn hóa ẩm thực cùng các phong tục, tập quán của cộng đồng người Việt – Hoa tại Chợ Lớn. Nhà hàng, quán ăn địa phương chính là điểm độc đáo làm nên câu chuyện và sức hấp dẫn cho lễ hội. Từ đó, có thể phát triển kinh tế địa phương, quảng bá du lịch – ẩm thực Chợ Lớn nói riêng và TP.HCM nói chung.
Cũng trong tháng 12, các sự kiện hấp dẫn và sôi động nhất của Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TP.HCM, hay còn biết đến với tên gọi quen thuộc là HOZO (Hò Dô) sẽ chính thức diễn ra.
Được tổ chức định kỳ hàng năm, HOZO bước đầu đã gây dựng được thương hiệu, trở thành sự kiện âm nhạc lớn tại TP.HCM, quy tụ đông đảo nghệ sĩ trong nước và quốc tế biểu diễn, khuấy động không khí mùa lễ hội cuối năm. Năm ngoái, HOZO thu hút hơn 500.000 khán giả tham gia tương tác toàn chiến dịch, cùng hơn 20 triệu lượt tiếp cận trên đa nền tảng trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, cho biết năm nay, điểm nhấn của HOZO là sự kiện HOZO Super Fest từ ngày 13-15/12. Dự kiến, chương trình có sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ quốc tế từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Scotland, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản… biểu diễn tại trục đường đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi. Các nghệ sĩ, nhóm nhạc sẽ có những mini concert (chương trình âm nhạc nhỏ) kéo dài 45 phút cùng hình thức chơi “nhạc sống”. Ngoài ra sẽ có đêm nhạc tưng bừng dành riêng cho fan hâm mộ rock.
Đáng chú ý, ca sĩ Mỹ Tâm sẽ góp mặt tại HOZO Super Fest với vai trò nghệ sĩ biểu diễn chính, hứa hẹn mang đến khán giả những màn trình diễn ấn tượng.
Với “sức nóng” của các sự kiện âm nhạc trước đó như đêm nhạc The Music of ABBA (Âm nhạc ABBA), hay các live concert từ chương trình Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tại TP.HCM thu hút hàng chục nghìn khán giả trẻ, ban tổ chức kỳ vọng các sự kiện – lễ hội cuối năm như HOZO sẽ tiếp tục “giữ lửa”, hút khách du lịch đến với TP.HCM.
Dư âm từ chuỗi sự kiện – lễ hội
Nếu như nửa cuối năm, TP.HCM sống động với các sự kiện, lễ hội âm nhạc đẳng cấp, thì giai đoạn nửa đầu năm, thương hiệu thành phố lại nổi bật trên bản đồ du lịch cả nước với hàng loạt sự kiện, lễ hội tô đậm hình ảnh một thành phố năng động – sáng tạo – nhân ái – nghĩa tình.
Đó là Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường sách Tết, Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước, Lễ hội Bánh mì, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan Phim Quốc tế TP.HCM (HIFF), Ngày hội Du lịch TP.HCM… và hàng loạt sự kiện – lễ hội do các quận, huyện, TP.Thủ Đức và ban ngành tổ chức.
“Mở hàng” năm mới, trong không khí rộn ràng đón Tết Nguyên đán, vừa lộ diện, Lưỡng long triều liên – cặp linh vật rồng khổng lồ dài 120m làm cổng chào Đường hoa Nguyễn Huệ lập tức viral, “dậy sóng” mạng xã hội, nhận mưa lời khen của công chúng vì “thần thái” quá đẹp, rực rỡ và đầy sống động.
Đường hoa năm nay thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc và tinh thần thời đại qua mỗi đại cảnh, trong từng tiểu cảnh, đón hơn 1,2 triệu lượt khách tham quan. 10 triệu hình ảnh liên quan sự kiện “bùng nổ” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội dịp Tết Giáp Thìn. Lễ hội Đường sách Tết 2024 cũng thu hút hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt trên 10 tỷ đồng.
Chưa từng có tiền lệ, cặp linh vật rồng tiếp tục được giữ lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ gần 2 tháng để chào đón du khách đến với TP.HCM.
Đến cao điểm du lịch hè, không thể không nhắc Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 diễn ra hồi cuối tháng 5/2024. Với nhiều người, đây là sự kiện đặc biệt đáng nhớ, để lại ấn tượng tốt, thậm chí trở thành dư âm khó phai. Lễ hội Sông nước 2024 là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao, giải trí gắn với dòng sông Sài Gòn – dòng sông di sản của đô thị hơn 300 năm, vùng đất hơn 3.000 năm lịch sử.
Sau 10 ngày diễn ra, Lễ hội Sông nước thu hút 4,5 triệu lượt người dân và du khách tham gia, trong đó, tổng số khách đến TP.HCM trong thời gian diễn ra lễ hội khoảng 1,3 triệu lượt, khách quốc tế 121.000 lượt. Các hoạt động như không gian chợ nổi miền Tây, tuần lễ trái cây trên bến dưới thuyền, thể thao dưới nước, diễu hành trên sông, chương trình nghệ thuật hoành tráng… “kéo” du khách gần hơn với dòng sông.
Gia đình chị Nguyễn Ngọc Anh, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM đến nay vẫn chưa quên những cảm xúc vỡ òa khi xem đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024.
Chuyến tàu huyền thoại kể về những chuyến tàu lịch sử từng đến và đi gắn liền với sông Sài Gòn, huy động 1.000 diễn viên thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn mới. Khép lại chương trình là màn diễu hành trên sông của chính đội tàu thuyền du lịch thành phố, trình diễn drone light và bắn pháo hoa nghệ thuật thắp sáng bầu trời đêm, khiến dòng sông dáng cung đàn ôm trọn hồn phố trở nên lung linh hơn thường lệ.
“Cả nhà tôi xem không rời mắt và nán lại chụp ảnh khá lâu. Đây là lễ hội rất hay, rất hoành tráng, không chỉ được tìm hiểu về các câu chuyện lịch sử mà còn có tính giáo dục, giải trí rất cao. Nhờ may mắn xem đêm diễn này mà sau đó tôi dẫn các con trải nghiệm thêm Lễ hội Sông nước vào ban ngày. Nếu thành phố có thể giữ lại chương trình biểu diễn nghệ thuật để giới thiệu với bạn bè, khách du lịch thì càng hay hơn nữa”, chị Ngọc Anh nói.
Thương hiệu Thành phố của sự kiện – lễ hội
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gợi mở, thành phố có thể định hướng mỗi tháng tổ chức một chuỗi sự kiện kéo dài từ 1-2 tuần. Như vậy, suốt năm, TP.HCM sẽ là thành phố của sự kiện.
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành du lịch khẳng định các sự kiện – lễ hội là điểm nhấn đặc biệt của ngành du lịch TP.HCM gần đây. Qua đó, giúp ngành du lịch thành phố tạo được thương hiệu riêng trong mắt người dân thành phố và du khách, giúp điểm đến hút khách quanh năm.
Quan tâm và gắn bó với du lịch tại TP.HCM, chuyên gia du lịch Phan Yến Ly nhận định TP.HCM không nhiều lễ hội truyền thống so với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, đây là trung tâm kinh tế của cả nước, đồng thời là trung tâm về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, nên rất nhiều cơ hội phát triển du lịch dựa trên việc phát huy tính sáng tạo trong tổ chức các sự kiện – lễ hội khác nhau. Điều đó đã được thể hiện qua hàng loạt sự kiện – lễ hội trong năm, kể cả sự kiện về thời trang, âm nhạc trong nước và quốc tế tại TP.HCM.
Với chuyên gia Phan Yến Ly, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước và Lễ hội Bánh mì có thể nói là ba sự kiện rất thành công và gây được tiếng vang, giúp TP.HCM nổi bật trên bản đồ du lịch trong hai năm trở lại đây.
Lễ hội Áo dài 2024 kéo dài 10 ngày, giúp ngành du lịch TP.HCM trong tháng 3 thu hút 480.000 lượt khách quốc tế, hơn 2,9 triệu khách nội địa và doanh thu du lịch đạt 15.975 tỷ đồng. Lễ hội Bánh mì lần 2 tổ chức hồi tháng 5 thu hút 150.000 lượt khách, tăng gấp rưỡi so với lần đầu tiên tổ chức. Lễ hội Sông nước 2024 cũng “bỏ túi” 4.250 tỷ đồng doanh thu du lịch và dịch vụ…
“Lễ hội Sông nước TP.HCM sau hai lần diễn ra ngay lập tức tạo nên thương hiệu cho ngành du lịch TP.HCM. Đây là niềm tự hào rất lớn. Lễ hội Áo dài qua 10 năm tổ chức đang dần được đón nhận tích cực từ cộng đồng, người dân và du khách. Lễ hội Bánh mì cũng vậy, thậm chí sức hút vượt ngoài mong đợi nên có phần chệch choạc ở năm đầu tiên. Các lễ hội bước đầu đã thu hút được người dân và du khách”, bà Ly đánh giá.
TS. Nguyễn Đức Trí – Trưởng khoa Du lịch ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng tổ chức sự kiện, lễ hội để phát triển kinh tế – du lịch là rất tốt. Theo chuyên gia, hầu như không có tiêu chuẩn cho bất kỳ lễ hội nào. Tuy nhiên, lễ hội đòi hỏi tính sáng tạo rất cao. Nhiều lễ hội nổi tiếng thế giới như Carnival Rio de Janeiro ở Brazil hay lễ hội đấu bò, lễ hội phô mai khá đơn giản nhưng người ta rất thích. “Mình hoàn toàn có thể làm được những lễ hội như vậy, chứ không quá nhất thiết phải quá nặng nề. Những lễ hội này không tốn tiền nhưng mang lại nguồn thu rất lớn”, TS. Trí nói thêm.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết các sự kiện – lễ hội của TP.HCM, nhất là Lễ hội Sông nước TP.HCM mang lại nhiều ý nghĩa, giá trị thiết thực không chỉ cho du lịch, kinh tế, văn hóa mà còn hứa hẹn là sản phẩm đặc trưng của TP.HCM, mang dấu ấn của thành phố để phục vụ người dân và du khách.
Với danh mục sự kiện – lễ hội đa dạng và phong phú, theo bà Hoa, để tạo nên sức mạnh tổng hợp của sự kiện – lễ hội, ngành du lịch đã bắt tay với các sở ngành khác như Sở VHTT, Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch TP và các đơn vị ngành lữ hành, nhà hàng khách sạn để có chương trình kích cầu những dịp này.
Tháng 7/2024, Sở Du lịch TP.HCM công bố chuỗi phim ngắn quảng bá du lịch, trong đó có phim giới thiệu về chuỗi lễ hội, sự kiện du lịch được tổ chức thường niên tại thành phố phương Nam này, gửi thông điệp “TP.HCM Chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” đến du khách trong nước và quốc tế.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng hồi đầu năm về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh TP.HCM sẵn sàng đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tầm cỡ quốc tế và sẽ thực hiện tốt để thu hút du khách đến nhiều hơn; đồng thời cũng sẽ đăng ký thí điểm các mô hình văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.
Kỳ vọng cao, quyết tâm lớn, liên tiếp tổ chức sự kiện nối tiếp sự kiện, lễ hội nối tiếp lễ hội theo tư duy “kinh tế sự kiện”, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, TP.HCM đang dần định hình, vươn lên trở thành điểm đến của sự kiện – lễ hội hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Đón đọc: TP.HCM – Thành phố của sự kiện và lễ hội (bài 2): “Đòn bẩy” cho ngành du lịch hướng đến tỷ USD
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment