Là một quần thể Di tích kiến trúc trong một Đô thị di sản độc đáo trải qua mấy trăm năm tồn tại trước những tác động khắc nghiệt của thời gian, thiên tai, địch họa,… nhưng Khu phố cổ Hội An vẫn được các thế hệ cư dân Hội An trân quý, gìn giữ gần như nguyên vẹn, mang ý nghĩa như một “bảo tàng sống” về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị.
Những dấu ấn trên chặng đường đáng nhớ
Ngay trong những ngày đầu gian khó, sau khi đất nước vừa thống nhất, với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, Tỉnh và bạn bè Quốc tế cũng với những nỗ lực của các cơ quan ban ngành Hội An trong việc nghiên cứu, nhận diện giá trị, đề xuất vinh danh,… vào tháng 3/1985, khu phố cổ Hội An đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia; …và đến ngày 04/12/1999 được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
25 năm qua, kể từ khi khu phố cổ Hội An được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại, với sự quan tâm của các cấp, ngành; sự giúp đỡ đầy thiện chí của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, bạn bè yêu mến Hội An trong nước và quốc tế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hội An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu với tinh thần đầy sáng tạo, trách nhiệm trong công tác bảo tồn nên Di sản văn hóa Hội An cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được giữ gìn và phát huy đầy hiệu quả.
Trước những năm 1999, khu phố cổ Hội An có hàng trăm di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Thông qua các Dự án tài trợ và từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa, từ năm 1999 đến 2019, ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ lên đến 167 tỉ đồng đã có 300 di tích nhà nước và tư nhân tập thể được triển khai tu bổ.
Cùng với đó, là dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ” theo quyết định đầu tư của UBND tỉnh Quảng Nam được triển khai từ năm 2005 đến nay đã có gần 100 di tích khác được tu bổ theo phương thức nguồn vốn ngân sách của Tỉnh 40%, của thành phố 60%. Ngoài ra, Nhân dân đã bỏ ra số kinh phí rất lớn để tu bổ sửa chữa cho hơn 2000 lượt di tích… Bên cạnh đó, các công trình về đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với tôn tạo cảnh quan di tích cũng được quan tâm đầu tư như: Kè bảo vệ phố cổ, tôn tạo cơ sở hạ tầng, ngầm hóa điện, tôn tạo cảnh quan di tích Lai Viễn kiều, dự án Phòng cháy chữa cháy trong Khu phố cổ,… đã mang lại diện mạo mỹ quan cho Khu phố cổ.
Đặc biệt, nhiều di tích được tu bổ đảm bảo nguyên tắc khoa học, chất lượng công trình, được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá rất cao; một số dự án được UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương trao các Giải thưởng công trạng/danh dự cho cho công tác bảo tồn di sản văn hóa như: Nhà thờ tộc Trương, nhà thờ tộc Tăng… Nhiều di tích sau khi tu bổ cũng đã được phát huy hiệu quả trở thành những địa điểm tham quan trải nghiệm hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước như: Nhà cổ Đức An, Cổng chùa Bà Mụ, Minh Hương Tụy Tiên Đường, Đình Cẩm Phô, đình Hội An, nhà lao Hội An, Chùa Cầu…
Từ năm 1999 đến nay, ngoài các chương trình của các cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế, Hội An đã phối hợp tiến hành 09 đợt nghiên cứu khảo cổ và nhiều hoạt động khảo cổ khác liên quan đến các dự án tôn tạo hạ tầng và tu bổ di tích; thực hiện 03 đề tài nghiên cứu quốc tế; 04 đề tài cấp ngành; 03 đề cấp Tỉnh; cùng với nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Các chương trình điều tra, khảo sát về kiến trúc, kiểm kê nhận diện di sản văn hóa phi vật thể cũng được đẩy mạnh, nâng tầm…Từ năm 2000 đến nay, đã biên soạn, in ấn xuất bản hơn 50 ấn phẩm về lịch sử – văn hóa Hội An.
Qua hoạt động nghiên cứu đã kiện toàn hồ sơ khoa học, pháp lý cho di tích, di sản, thiết lập 6 bảo tàng chuyên đề; xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình để có thêm 25 di tích được công nhận cấp quốc gia; các nghề mộc Kim Bồng, yến Thanh Châu, gốm Thanh Hà, trồng rau Trà Quế, làm nhà tre dừa Cẩm Thanh, đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm và các lễ hội Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu ở Hội An… được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nhiều hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian và các các phong tục tập quán truyền thống cũng được khôi phục như: hát bội, múa thiên cẩu, tục dựng nêu ngày Tết… Đặc biệt, trò chơi Bài chòi Hội An từ nguy cơ thất truyền, nay đã bảo tồn được hồi sinh, đi vào công chúng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách hằng đêm tại Khu phố cổ, góp thêm chất liệu quan trọng để nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Không ngừng sáng tạo, thích ứng trên nền di sản
Trên nền tảng các giá trị văn hóa phi vật thể được nghiên cứu nhận diện bảo tồn, vào 31 tháng 12 năm 2023, Hội An chính thức tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.Không ngừng sáng tạo, thích ứng trên nền di sản
Trên nền tảng các giá trị văn hóa phi vật thể được nghiên cứu nhận diện bảo tồn, vào 31 tháng 12 năm 2023, Hội An chính thức tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Cùng với quần thể di sản văn hóa kiến trúc Khu phố cổ, Hội An cũng đã sáng tạo hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên nền di sản văn hóa Hội An như: “Đêm phố cổ”, “phố đi bộ”, “phố không có tiếng động cơ xe máy”, các tuyến tham quan tại các làng nghề truyền thống, làng quê sông nước, biển đảo;… đã phục dựng các lễ hội truyền thống và tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa như: Hội Tết dân tộc, lễ hội đèn lồng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu, các lễ giỗ Tổ nghề;… tham mưu tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao của Tỉnh như: Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản”, Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế; các sự kiện Quốc gia và Quốc tế như: Các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất, Hội nghị APEC,… cùng với nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với nhiều địa phương trong nước và ở các nước như: Hồng Kông – Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những hoạt động trên góp phần quan trọng làm cho hình ảnh di sản văn hóa Hội An ngày càng lan tỏa, vươn xa.
Được xem là điển hình trong việc giải quyết tốt vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản, điều hòa lợi ích của cộng đồng với các bên tham gia trong hoạt động du lịch, xây dựng được môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện với du khách; Hội An không chỉ là thương hiệu du lịch của Quảng Nam mà còn là điểm đến quan trọng của miền Trung Việt Nam nói riêng và điểm đến Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tạp chí du lịch nước ngoài như Wanderlust (Anh), Condé Nast Traveler (Mỹ), Smart Travel Asia đã bình chọn cho Hội An các danh hiệu: 1 trong 10 thành phố du lịch tốt nhất – Điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á – Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới.
Nếu như trong năm 1999, Hội An chỉ có gần 100 nghìn lượt khách tham quan thì đến nay con số này đã vượt ngưỡng hơn 3 triệu lượt khách, riêng các năm 2018, 2019 đã vượt mức 5 triệu lượt khách. Các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch phát triển đa dạng; tỷ trọng cơ cấu của nhóm ngành Dịch vụ – Du lịch – Thương mại chiếm trên 70%. Đời sống của nhân dân Hội An được nâng cao. Bộ mặt đô thị, nông thôn, hải đảo,… ngày càng khang trang: Sáng, xanh, sạch, đẹp theo định hướng – Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment